Tổng thống Biden hé mở quan điểm về xung đột Israel-Palestine

Mỹ tái khẳng định ủng hộ giải pháp “hai nhà nước” đối với cuộc xung đột Israel-Palestine, coi đây là giải pháp duy nhất để đảm bảo người dân Israel và Palestine cùng chung sống hòa bình.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo AFP/Reuters/Tân Hoa xã, Hiện Mỹ và các nước Arab đang thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao để kéo dài bầu không khí hòa bình sau khi Israel và phong trào Hồi giáo Hamas hôm 20/5 đạt được thỏa thuận ngừng bắn, tạm ngừng cuộc giao tranh gây thiệt hại vốn bùng phát từ ngày 10/5.

Hiện chưa rõ những nỗ lực ngoại giao này sẽ đem lại kết quả như thế nào, song đã nổi lên quan ngại về mối quan hệ căng thẳng khó có thể hòa giải giữa người Arab và người Do Thái, vốn là “lằn ranh đỏ” cho các cuộc xung đột sau này.

Tín hiệu tích cực từ Mỹ

Mỹ tái khẳng định ủng hộ giải pháp “hai nhà nước” đối với cuộc xung đột Israel-Palestine, coi đây là giải pháp duy nhất để đảm bảo người dân Israel và Palestine cùng chung sống hòa bình bằng những “biện pháp công bằng.”

Nhận định trên của Ngoại trưởng Antony Blinken được đưa ra trước thềm chuyến công du của ông đến Trung Đông và sau khi Israel và phong trào Hồi giáo Hamas đạt được thỏa thuận ngừng bắn, tạm ngừng cuộc giao tranh “mưa bom, bão đạn” kéo dài 11 ngày gây thương vong.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 20/5 cho biết ông Blinken sẽ có chuyến công du Trung Đông “trong một vài ngày tới” và có kế hoạch gặp gỡ những đồng cấp của Israel, Palestine và các nước khác trong khu vực.

Mặc dù ông Blinken ủng hộ giải pháp "hai nhà nước", một mục tiêu lâu nay của chính quyền Mỹ, song ông thừa nhận rằng điều này “hiện không còn tất yếu nữa”. Tuy nhiên, tuyên bố của ông nhắc đến cụm từ “các biện pháp công bằng” cho thấy sự thay đổi về giọng điệu, ít nhất là so với chính quyền tiền nhiệm Donald Trump.

Chính quyền ông Trump từng cắt giảm hỗ trợ cho Chính quyền Palestine và công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông trong đó thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Israel. Trong phát biểu này, ông Blinken đã nhấn mạnh sự cần thiết cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Palestine, đồng thời khởi động nỗ lực tái thiết sau cuộc xung đột vừa qua.

Nỗ lực ngoại giao khu vực

Trong khi đó, hãng tin Reuters cho biết các nước khu vực đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc xung đột Israel-Palestine đang nỗ lực đàm phán với các bên về khả năng kéo dài thỏa thuận ngừng bắn mà Israel và phong trào Hamas của Palestine thông báo đạt được hôm 20/5.

Cụ thể, các nhà trung gian hòa giải của Ai Cập đã và đang tiến hành các hoạt động ngoại giao con thoi giữa Israel và Dải Gaza dưới sự kiểm soát của Hamas cũng như Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ở khu Bờ Tây bị chiếm đóng.

Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Ai Cập có cuộc gặp với giới chức hàng đầu của Jordan vào ngày 23/5 để tìm cách tháo gỡ căng thẳng và làm sống lại tiến trình hòa bình Trung Đông.

[Thế kẹt của nước Mỹ trên bàn cờ Trung Đông đầy bất trắc]

Trong khi đó, bà Lynn Hastings- điều phối viên về vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (LHQ) đối với các vùng lãnh thổ của Palestine- hôm 23/5 cho biết Liên hợp quốc sẽ kêu gọi tiến hành tái thiết khu vực dải Gaza bị hủy hoại nghiêm trọng do tình hình xung đột hiện nay.

Lằn ranh đỏ mang tên “Al-Aqsa”

Mặc dù Israel và Hamas đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn, song căng thẳng giữa người dân Arab và Do Thái trong lãnh thổ Israel vẫn tiếp diễn và điều này đặt ra mối quan ngại lớn về tương lai quan hệ của hai cộng đồng sắc tộc này.

Cũng như những cuộc xung đột trước đó, “mồi lửa” kích động cuộc xung đột lần này, vốn được coi là nghiêm trọng nhất kể từ năm 2014, xuất phát từ khu vực Thành cổ Jerusalem.

Người Palestine cáo buộc Israel hạn chế hoạt động đi lại ở quanh đền thờ Al-Aqsa ở khu vực thành cổ này, sau khi cảnh sát Israel, trong một động thái hiếm hoi, đã cấm xe bus và dòng người cầu nguyện Ả rập tiến về đền thờ này trong tháng Ramadan linh thiêng.

Trả lời Tân Hoa xã, ông Afif Abu Much, nhà phân tích chính trị và viết bài cho trang tin tức Al-Monitor có trụ sở tại Mỹ, giải thích: “Al-Aqsa là lằn ranh đỏ. Cộng đồng Ả rập đã đồng thuận về điều này. Đây là vấn đề thường làm bùng phát xung đột và cần được xử lý một cách hợp lý.”

Liên quan vấn đề này, hãng tin Reuters đưa tin phía Israel thừa nhận những người Do Thái hành hương đến đền thờ linh thiêng còn tồn tại nhiều tranh cãi tại Jerusalem nói trên, nơi xảy ra cuộc xung đột giữa cảnh sát Israel và người biểu tình Palestine, là nhân tố kích hoạt cuộc giao tranh xuyên biên giới Gaza từ hôm 10/5./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục