Tổng thống Brazil tiếp tục phản đối trừng phạt kinh tế Nga

Tổng thống Brazil cảnh báo Mỹ và châu Âu sẽ phải trả giá đắt khi Nga cắt nguồn cung khí đốt và chính người dân các nước này phải gánh chịu giá lương thực và nhiên liệu tăng cao.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 25/7, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro 1 lần nữa bác bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế mà các nước phương Tây đang áp dụng chống lại Nga và tái khẳng định quan điểm cân bằng của Chính phủ Brazil trước cuộc xung đột ở Ukraine.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh doanh Nông nghiệp Toàn cầu 2022, diễn ra tại Sao Paulo (Brazil), Tổng thống Bolsonaro tuyên bố sẽ không tham gia vào các lệnh trừng phạt nói trên và tiếp tục giữ vị trí cân bằng bởi nếu không có sự cân bằng trong vấn đề này Brazil sẽ không có phân bón cho các hoạt động kinh doanh nông nghiệp của mình.

Tổng thống cực hữu của Brazil bảo vệ quan điểm duy trì quan hệ thương mại với Nga để đảm bảo sản xuất lương thực, đồng thời nhấn mạnh rằng nếu không có phân bón, an ninh lương thực của quốc gia Nam Mỹ này và của hơn một tỷ người trên thế giới sẽ bị đe dọa.

Trước đó, trong một video đăng tải trên mạng xã hội Tiktok ngày 7/7, ông Bolsonaro đã đánh giá các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, đặc biệt là các biện pháp mà Mỹ đang áp dụng, là sai lầm.

Tổng thống Brazil cảnh báo Mỹ và châu Âu sẽ phải trả giá đắt khi Nga cắt nguồn cung khí đốt và chính người dân các nước này phải gánh chịu giá lương thực và nhiên liệu tăng cao.

Trong video này, Tổng thống Brazil tuyên bố: “Hơn cả việc đàm phán về phân bón, tôi tìm kiếm an ninh lương thực cho thế giới''.

[Gói trừng phạt thứ 7 của EU nhằm vào Nga chính thức có hiệu lực]

Ngày 20/7, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí gói trừng phạt thứ 7 nhằm vào Nga, trong đó cấm nhập khẩu vàng của nước này và phong tỏa tài sản của ngân hàng lớn nhất Nga Sberbank. Lệnh trừng phạt dự kiến có hiệu lực từ ngày 21/7.

Cộng hòa Séc, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU và chủ trì hội nghị các nhà ngoại giao EU ngày 20/7, cho biết ngoài các biện pháp trên, EU còn bổ sung thêm nhiều cá nhân và thực thể của Nga có liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine vào danh sách đen.

Lệnh cấm nhập khẩu vàng của Nga là nhằm đáp ứng quyết định đã được Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), trong đó Đức, Pháp và Italy là thành viên, nhất trí tại cuộc họp hồi cuối tháng trước.

Trước đó, trong gói trừng phạt thứ 6 của EU đối với Nga được thông qua hồi tháng 6, liên minh này đã cấm nhập khẩu hầu hết dầu mỏ của Nga./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục