Tổng thống Donald Trump chưa thể 'tái khỏi động' quan hệ Nga-Mỹ?

Chừng nào Tổng thống Trump còn tại vị, quan hệ Mỹ-Nga khó có một khởi đầu mới, và mối quan hệ cá nhân hai nhà lãnh đạo Trump-Putin chắc chắn cũng khó lòng đem đến những kết quả tích cực.
Tổng thống Donald Trump chưa thể 'tái khỏi động' quan hệ Nga-Mỹ? ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tại cuộc gặp ở Helsinki, Phần Lan ngày 16/7/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng eurasiareview.com đưa tin ông Donald Trump là Tổng thống duy nhất của Mỹ từ sau sự sụp đổ của Liên bang Xôviết chưa thể “tái khởi động” quan hệ Mỹ-Nga.

Dù những nỗ lực của ông Clinton, ông Bush và ông Obama không kéo dài lâu, song những gì họ làm cũng đủ để đem lại khoảng lặng cho mối quan hệ vốn luôn căng thẳng và cho phép cả hai bên đạt được những mục tiêu chính sách quan trọng.

Điều trớ trêu là thái độ yêu mến mà ông Trump dành cho Nga và nhà lãnh đạo Vladimir Putin lại là lý do chính khiến ông không thể tạo dựng một nền tảng vững chắc cho mối quan hệ song phương giữa hai cường quốc.

[Quan hệ Nga-Mỹ khó có khả năng cải thiện trong tương lai gần?]

Hoài nghi về động cơ và dè dặt trước phong cách lãnh đạo của ông Trump, chính quyền và Quốc hội Mỹ về cơ bản đã tự thực hiện chính sách đối phó với Nga, và vai trò của tổng thống chỉ đơn giản là thông qua những quyết sách của họ.

Bất chấp cương vị là người đứng đầu nước Mỹ và thường xuyên đưa ra những bình luận mạnh mẽ trên Twitter, ông Trump thực tế là một nhân tố ồn ào nhưng không có nhiều ảnh hưởng trong việc xử lý mối quan hệ đầy phức tạp giữa Moskva và Washington.

Nhà nghiên cứu Keir Giles, làm việc tại Chatham House, cho rằng mối quan hệ của Nga với phương Tây đang trải qua những giai đoạn mà người ta hoàn toàn có thể dự đoán trước: phấn khích, thực dụng, vỡ mộng, khủng hoảng, và cuối cùng là tái thiết. Điều này từng đúng trong thời hậu Chiến tranh Lạnh và mãi cho tới tận gần đây.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng hiện nay, bắt đầu từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và ủng hộ lực lượng ly khai có vũ trang tại miền Đông Ukraine, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Với việc hai bên chưa hề tính đến việc cải thiện quan hệ, thậm chí còn không ngừng chỉ trích và tìm cách trừng phạt lẫn nhau, mối quan hệ Mỹ-Nga nhiều khả năng sẽ tiếp tục chìm trong khủng hoảng ở tương lai gần.

Mọi chuyện không phải lúc nào cũng tồi tệ, song những thời khắc tốt đẹp không kéo dài lâu. Những tín hiệu tích cực trong khoảng đầu thập niên 90 của thế kỷ trước nhanh chóng đem đến những kỳ vọng thực dụng từ cả hai phía.

Tuy nhiên, cuộc chính biến đẫm máu năm 1993 tại Nga, mâu thuẫn giữa Boris Yeltsin và Quốc hội, đã hủy hoại uy tín dân chủ của ông tại phương Tây.

Trong khi đó, những trải nghiệm ban đầu không mấy tích cực của Nga về dân chủ và kinh tế thị trường đã hủy hoại lòng tin của Nga đối với các lý tưởng phương Tây.

Cuộc khủng hoảng tài chính và vỡ nợ năm 1998 tại Nga đã khiến cả hai bên vỡ mộng và cuộc xâm lược năm 1999 mà NATO tiến hành tại Kosovo chính thức đẩy mối quan hệ này vào khủng hoảng.

Vụ khủng bố ngày 11/9/2001 và đề xuất của Putin về việc hỗ trợ Mỹ - bất chấp sự phản đối của Duma Quốc gia và một số quan chức chính quyền - đã tạo ra những tiền đề nhất định cho việc tái thiết mối quan hệ hậu Xôviết.

Giai đoạn “phấn khích” trong mối quan hệ này được đánh dấu bằng bài phát biểu của Tổng thống George W. Bush rằng ông đã nhìn vào mắt ông Putin và “nhận thấy rằng ông ấy là người thẳng thắn và đáng tin.”

Nhiều người cho rằng Tổng thống Bush sau đó đã hối hận về phát biểu của mình khi mối quan hệ bắt đầu trượt dài từ sự thực dụng và vỡ mộng để rồi rơi vào khủng hoảng.

Sau một giai đoạn hợp tác đầy thực dụng trong cuộc chiến tại Afghanistan, mọi chuyện dần xấu đi. Chiến tranh Iraq năm 2003, chiến dịch bành trướng tại các nước cộng hòa vùng Baltic hậu Xôviết vào năm 2004 của NATO, cùng “những cuộc cách mạng màu” tại Georgia và Ukraine đều đã khiến Nga vỡ mộng.

Tâm lý này được công khai trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich năm 2007 của ông Putin, mạnh mẽ chỉ trích điều mà ông cho là một nước Mỹ hoàn toàn mất kiểm soát.

Chưa đầy 18 tháng sau bài phát biểu nói trên, mối quan hệ Mỹ-Nga một lần nữa rơi vào khủng hoảng, và lần này là vì cuộc xâm lược quân sự của Nga hồi tháng 8/2008 tại Georgia.

Việc ông Barack Obama đắc cử Tổng thống Mỹ đã đem đến cơ hội khác để hai bên tái thiết quan hệ.

Điều này đã đặt nền tảng cho hai bên ký kết Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START), nhất trí về việc sử dụng lãnh thổ Nga để cung cấp hậu cần cho lực lượng Mỹ tại Afghanistan, củng cố cơ chế trừng phạt đối với Iran và tạo điều kiện để Nga tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Những nỗ lực của ông Obama bắt đầu đi chệch hướng vào cuối năm 2011 khi hàng chục nghìn người Nga tập trung tại các thành phố lớn để phản đối kế hoạch quay trở lại cương vị tổng thống của ông Putin và chỉ trích gian lận trong bầu cử.

Tổng thống Donald Trump chưa thể 'tái khỏi động' quan hệ Nga-Mỹ? ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Mâu thuẫn về kế hoạch thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu càng khiến mối quan hệ trở nên xấu đi và khủng hoảng bùng lên sau khi Nga sáp nhập Crimea đầu năm 2014 và hậu thuẫn lực lượng ly khai.

Quan hệ Mỹ-Nga từ đó vẫn chìm trong khủng hoảng.

Bất chấp những ưu ái rõ ràng mà ông Putin dành cho ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 và thái độ yêu mến của ông Trump đối với ông Putin, mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo này không thể trở thành nền tảng cho việc tái thiết quan hệ song phương.

Những gì diễn ra trong mối quan hệ Mỹ-Nga hiện nay là điều chưa từng có tiền lệ. Một quan chức cấp cao trong chính quyền từng viết trên tờ New York Times rằng mối quan hệ này được Mỹ dưới thời ông Trump dẫn dắt theo hai lộ trình.

Một bên, ông Trump “thể hiện thái độ ưu ái đối với những nhà lãnh đạo độc đoán và độc tài,” chỉ trích rằng các quan chức cấp cao đã đẩy ông “vào tình thế đối đầu sâu sắc với Nga,” thể hiện “sự thất vọng rằng Mỹ tiếp tục áp đặt trừng phạt đối với một quốc gia vì hành vi thiếu lành mạnh.”

Ở bên còn lại, Nga bị chính Chính quyền Trump và Quốc hội “lên án và trừng phạt” vì những hành vi "nham hiểm."

Chừng nào ông Trump còn tại vị, quan hệ Mỹ-Nga chắc chắn sẽ không thể có một khởi đầu mới, và mối quan hệ cá nhân Trump-Putin chắc chắn vẫn sẽ khó lòng đem đến những kết quả tích cực. Ngay cả trong những giai đoạn bình thường, cả hai đều vừa là những đối tác cần thiết, vừa là những vấn đề khiến đối phương không khỏi đau đầu.

Trong những giai đoạn khủng hoảng thường trực, khi Tổng thống Mỹ luôn là trụ cột duy trì mối quan hệ Mỹ-Nga, rõ ràng trọng trách duy trì “trạng thái ổn định” cho mối quan hệ này - điều mà quan chức giấu tên nhắc đến trong bài viết trên New York Times - rõ ràng là một gánh nặng không hề nhỏ và đi kèm với rất nhiều rủi ro./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.