Tổng thống Donald Trump trong phương trình Trung-Triều

Các lãnh đạo Trung Quốc và Triều Tiên từng không tổ chức bất kỳ cuộc gặp trực tiếp nào kể từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền vào năm 2011, và giữa hai nước cũng tồn tại rất ít các chuyến thăm cấp cao.
Tổng thống Donald Trump trong phương trình Trung-Triều ảnh 1Trong ảnh (tư liệu): Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) trong chuyến thăm Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 19/6/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang mạng eurasiareview.com, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có một hội nghị thượng đỉnh thứ hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào giữa tháng 2/2019. Mục tiêu cốt lõi của hội nghị thượng đỉnh lần này là phi hạt nhân hóa Triều Tiên, điều khá khó khăn.

Mặc dù rõ ràng việc phi hạt nhân hóa không thể diễn ra trong "một sớm một chiều," song có ít nhất hai động thái trong ngắn hạn dưới đây có thể là công cụ đánh giá xem liệu tiến trình này có đi đúng hướng hay không.

Thứ nhất, cân nhắc kỹ, và nếu có thể, tiến tới một thỏa thuận chi tiết về tiến trình phi hạt nhân hóa. Thứ hai, các biện pháp xây dựng lòng tin ngày một vững chắc giữa Mỹ và Triều Tiên có thể tạo ra một môi trường song phương tích cực cho tiến trình phi hạt nhân hóa.

Đáng tiếc, cả hai động thái này đều không xảy ra sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên được thổi phồng quá mức giữa Trump và Kim Jong-un tại Singapore hồi tháng 6/2018.

Mọi sự tương tác giữa Mỹ và Triều Tiên sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên đều gây tranh cãi, hời hợt và bị giới hạn. Trong một vài sự kiện, đại diện từ cả hai nước đều công khai bày tỏ sự không hài lòng lẫn nhau.

Các tín hiệu ngoại giao gần đây giữa Mỹ và Triều Tiên cho thấy chỉ số tin cậy giữa họ, nếu không muốn nói là tồi tệ hơn, thì ít nhất là cũng không được cải thiện chút nào. Giữa hai nước tồn tại một sự bế tắc, và nếu xu hướng hiện tại vẫn tiếp diễn, khó có thể mong đợi nhiều trong cuộc gặp thứ hai.

Những tiến triển đáng kể hơn cả sau thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên lại là sự nồng ấm ngày càng tăng giữa Triều Tiên và Trung Quốc. Chính quyền Trump đã vô tình trở thành công cụ đưa Triều Tiên và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn.

[Vai trò của Trung Quốc trong tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên]

Các lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc và Triều Tiên từng không tổ chức bất kỳ cuộc gặp trực tiếp nào kể từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền vào năm 2011, và giữa hai nước cũng tồn tại rất ít các chuyến thăm cấp cao trong giai đoạn đó. Tuy nhiên, mối quan hệ song phương đã hồi sinh nhanh chóng trong vòng một năm qua.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Kim Jong-un đã có tới 4 cuộc gặp thượng đỉnh trong vòng chưa đầy một năm qua, và có những báo cáo cho thấy Tập Cận Bình sẽ sớm thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Triều Tiên.

Trung Quốc không hề ủng hộ các cuộc thử hạt nhân và tên lửa liên tiếp của Triều Tiên, đặc biệt là khi giữa họ tồn tại những bất đồng liên quan đến vấn đề biên giới và thái độ sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã không thể ngăn chặn tham vọng đầy ngoan cố của Triều Tiên bởi thiếu lực đòn bẩy cũng như bởi mục tiêu chính sách đối ngoại quan trọng không kém của Bắc Kinh là đảm bảo cho sự tồn tại của chế độ Triều Tiên.

Cũng chính vì lý do này mà bất chấp những căng thẳng trong mối quan hệ song phương kể từ khi Kim Jong-un nắm quyền, cả hai nước đều tránh đối đầu trực tiếp hoặc tránh các cuộc cãi vã công khai.

Trung Quốc hoan nghênh sự thay đổi trong cách tiếp cận của Triều Tiên khi họ đồng ý đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa với Mỹ. Kim Jong-un đã tận dụng cơ hội này khá thông minh, và đã thực hiện một chuyến thăm lặng lẽ tới Trung Quốc trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Sau đó, trước khi diễn ra bất kỳ cuộc họp quan trọng nào với các nhà lãnh đạo Hàn Quốc hoặc Mỹ, Kim Jong-un đều nhất quán thảo luận các vấn đề với Trung Quốc trước tiên. Điều này cho thấy sự gần gũi của Triều Tiên với Trung Quốc mang lại cho Kim Jong-un chiều sâu chiến lược và đòn bẩy cần thiết.

Trong bối cảnh này, có một điều thú vị diễn ra là khi Mỹ thừa nhận có những “tiến triển tích cực” liên quan đến phi hạt nhân hóa cũng là lúc Trung Quốc yêu cầu nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên. Theo cách này, yêu cầu của Trung Quốc chính là một sự tán thành với quan điểm của Triều Tiên trong việc tìm kiếm mối quan hệ “có đi có lại” với Mỹ.

Ngược lại, chính quyền Trump ngày càng rời xa Trung Quốc cả về vấn đề Triều Tiên lẫn các vấn đề song phương khác. Thông qua lăng kính hẹp của tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên, có vẻ như chính quyền Trump đã không đạt được bất kỳ tiến triển đáng kể nào mà thay vào đó lại đẩy các đối thủ của mình - Trung Quốc và Triều Tiên - xích lại gần nhau hơn.

Trump dường như có khuynh hướng giải quyết các tin tức và quan điểm liên quan đến bản thân mình hơn là đấu tranh với những vấn đề cơ bản trong các cuộc đàm phán với Triều Tiên. Hơn nữa, Trump cũng khá sai lầm khi cho rằng Triều Tiên tiến tới bàn đàm phán vì chính sách “gây áp lực tối đa” của Mỹ, chứ không hề nhận ra hoặc thừa nhận vai trò quan trọng của Hàn Quốc trong vấn đề này.

Tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin, cho và nhận, nhượng bộ lẫn nhau, và thực hiện mục tiêu dài hạn không hề được chính quyền Trump coi trọng. Có lẽ Tổng thống Mỹ không nhận ra rằng kể cả khi chúng ta không thể kết bạn mới, ít nhất chúng ta cũng phải duy trì các mối quan hệ cũ và nỗ lực để không đưa những đối thủ của mình tiến gần nhau hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.