Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cảnh báo không nên dỡ bỏ quá nhanh các biện pháp giãn cách xã hội hiện nay, bởi điều đó có thể phải đánh đổi bằng những thành tựu mà nước Đức đã đạt được trong cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trả lời phỏng vấn của báo FAZ (Toàn cảnh Frankfurt) ngày 2/5, Tổng thống Steinmeier đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ liên bang cũng các bang trong việc cố gắng cân bằng giữa nhu cầu bảo vệ người dân với việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.
Tổng thống Steinmeier cho rằng các biện pháp của chính phủ kết hợp với tinh thần trách nhiệm và kỷ luật của dân chúng đã mang lại kết quả bước đầu khi số ca nhiễm mới giảm đáng kể.
Tuy nhiên, Tổng thống Đức cảnh báo hậu quả nếu dỡ bỏ quá nhanh các biện pháp hạn chế hiện nay, nhấn mạnh rằng việc áp đặt các hạn chế còn dễ dàng hơn nhiều việc dỡ bỏ.
Ông cũng bác bỏ ý tưởng đòi hỏi sự công bằng và nhất quán trong việc tìm ra một lối thoát chung cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
Bên cạnh đó, vị nguyên thủ của Đức cũng cảnh báo áp lực gia tăng vì những hậu quả của dịch COVID-19 đối với xã hội, tâm lý và kinh tế đang trở nên rõ ràng hơn.
Ông cho rằng dịch bệnh ảnh hưởng đến tất cả mọi người, trong khi nhà nước đang nỗ lực hết sức để giảm thiểu hậu quả dịch bệnh cho người dân và xã hội.
Tuy nhiên, theo ông, không phải mọi điều đều có thể bù đắp về tài chính, bởi nhà nước không thể thay thế cho việc vận hành một nền kinh tế hay một xã hội sôi động, trong khi những người già ở viện dưỡng lão không chờ đợi tiền mà họ chờ người đến thăm.
Tổng thống Steinmeier bày tỏ tin tưởng với một nền tảng tốt về kinh tế và xã hội, nước Đức có thể vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay.
Ông cũng kêu gọi sự hợp tác toàn cầu, như trong việc phát triển các phương thuốc đặc hiệu, để ứng phó với những cuộc khủng hoảng tương tự.
Liên quan các biện pháp giãn cách xã hội ở Đức, một số bang sẽ tiếp tục có những nới lỏng bắt đầu từ ngày 4/5 tới. Bang Sachsen-Anhalt cho phép người dân có thể tập trung theo nhóm khoảng 5 người, thay vì 2 người như hiện nay.
Ngoài ra, người dân ở bang này muốn ra ngoài cũng không cần phải có lý do đặc biệt như trước đây. Bên cạnh đó, các cửa hàng lớn cũng được phép mở cửa trở lại.
[Đức thúc đẩy nghiên cứu vắcxin chống virus SARS-CoV-2]
Từ 11/5, các cơ sở chăm sóc người già và viện dưỡng lão cũng được đón khách tới thăm trong 1 giờ/ngày, với điều kiện người tới thăm phải đeo khẩu trang.
Tại bang Saarland, các cửa hàng bất kể quy mô lớn nhỏ sẽ được mở cửa trở lại từ đầu tuần tới, song phải đảm bảo quy định về vệ sinh dịch tễ và quy định về giãn cách xã hội.
Ngoài ra, bang này cũng cho phép mở cửa trở lại các viện bảo tàng, vườn thú, công viên ngoài trời và khu vui chơi trẻ em.
Hiện, ca mắc COVID-19 ở Đức trong ngày đã giảm xuống dưới 1.000. Cụ thể, theo số liệu trên trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 3/5 (giờ Việt Nam), số ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 ở Đức là 164.967, trong đó đã có gần 130.000 ca khỏi bệnh.
Cùng ngày, báo Đức Spiegel (Tấm gương) đưa tin Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang lặng lẽ lên kế hoạch đối phó với đợt lây nhiễm thứ hai vào mùa Thu tới khi dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành mạnh tại nhiều nước ở châu Âu và Mỹ.
Báo trên dẫn các nguồn tin cho biết đại sứ các quốc gia NATO trong tuần qua đã nhất trí với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltelberg về việc lập tức đưa ra một kế hoạch hành động quân sự cho khối để có thể ứng phó tốt hơn khi virus SARS-CoV-2 bùng phát trở lại cũng như để có thể hỗ trợ hiệu quả hơn cho các nước đối tác của NATO bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
Bên cạnh kế hoạch hành động ứng phó với nguy cơ của làn sóng lây nhiễm thứ hai vào mùa Thu tới, cũng cần có một "kế hoạch dự phòng ứng phó với đại dịch" riêng biệt và dài hạn..
Theo báo Spiegel, đối với thế giới bên ngoài, NATO không chịu nhiều tác động do đại dịch COVID-19 và chỉ một phần hoạt động trong trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ) bị hạn chế (chỉ còn khoảng 1.200 nhân viên làm việc trong trụ sở thay vì mức 4.500 người như trước đây).
Tuy nhiên trên thực tế, NATO chịu ảnh hưởng ở quy mô khá lớn do đại dịch. Việc hạn chế nhập cảnh nghiêm ngặt đã tác động tới mọi sứ mệnh ở nước ngoài của khối, như có sứ mệnh "Hỗ trợ kiên quyết" tại Afghanistan hay sứ mệnh ở Baltic, trong khi nhiệm vụ tại Litva chỉ được đảm bảo một phần./.