Lộ trình nới lỏng các biện pháp hạn chế tại các nước châu Âu

Một số nước thành viên của Liên minh châu Âu đã nới lỏng và công bố kế hoạch hủy bỏ các biện pháp hạn chế sau nhiều tuần "đóng cửa" để đối phó với COVID-19.
Lộ trình nới lỏng các biện pháp hạn chế tại các nước châu Âu ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Berlin, Đức ngày 28/3/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Sau khi các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) thống nhất về “Lộ trình dỡ bỏ lệnh phong tỏa” tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến tuần trước, một số nước thành viên đã nới lỏng và công bố kế hoạch hủy bỏ các biện pháp hạn chế.

Tại Thụy Sĩ, sau 6 tuần đóng cửa, từ ngày 27/4, các cửa hiệu làm đẹp, trung tâm vui chơi giải trí và hệ thống cửa hàng DIY đã mở cửa đón khách.

Các cửa hãng mỹ phẩm, tiệm xăm mình hoặc cửa hàng hoa cũng đã khôi phục hoạt động kinh doanh.

Tiếp đến, các trường học và cửa hàng không bán đồ ăn sẽ được phép mở cửa từ ngày 11/5, trong khi trường cấp 2 và các trung tâm giải trí sẽ hoạt động trở lại từ ngày 8/6.

[Chính phủ Đức không ủng hộ sớm nới lỏng giãn cách xã hội]

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, tại Pháp, từ ngày 11/5, phần lớn hoạt động thương mại có thể được hoạt động trở lại, tuy nhiên, nhà hàng và quán càphê vẫn chưa được mở và tới nay chưa ấn định thời điểm cụ thể cho hai loại hình kinh doanh này.

Chính phủ Pháp sẽ đưa ra quyết định vào cuối tháng Năm.

Bộ trưởng Kinh tế và tài chính Pháp Bruno Le Maire cảnh báo mọi sự “hấp tấp” sẽ kéo theo nguy cơ bùng phát làn sóng dịch bệnh thứ hai.

Đối với Bỉ, chính phủ nước này đã đưa ra kế hoạch rõ ràng về việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa trong những ngày tới.

Từ ngày 11/5, gần như tất cả các hoạt động thương mại có thể sẽ được hoạt động trở lại. Từ ngày 18/5, các trường học sẽ từng bước được mở cửa trở lại.

Italy, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19, cũng rất thận trong khi đưa ra các quyết định gỡ bỏ dần lệnh phong tỏa.

Theo thông báo mới đây của Thủ tướng nước này, ông Giuseppe Conte, việc mở cửa trường học sẽ chỉ bắt đầu vào tháng Chín.

Cũng theo ông, từ ngày 4/5, các công viên sẽ được mở cửa trở lại, người dân cũng sẽ được đi thăm, gặp gỡ người thân, được phép tụ tập nhưng với số lượng hạn chế và phải giữ khoảng cách an toàn.

Ngoài ra, các quán bar, nhà hàng sẽ được phép mở lại vào ngày 4/5, tuy nhiên, chỉ được phép bán đồ ăn mang về. Các quán bar, nhà hàng, các hiệu làm tóc, thẩm mỹ viện… sẽ hoàn toàn được hoạt động trở lại vào ngày 1/6, nhưng phải tuân thủ các biện pháp an toàn.

Bên cạnh đó, kể từ ngày 18/5, tất cả các hoạt động thương mại bán lẻ cũng như các viện bảo tàng, các địa điểm văn hóa và thư viện sẽ được mở cửa trở lại.

Từ giữa tháng Ba, Séc đã đóng cửa đường biên giới của nước này, một tháng rưỡi sau, quy định này sẽ được gỡ bỏ một phần. Theo Bộ trưởng Nội vụ Jan Hamacek, kể từ ngày 27/4, công dân châu Âu có thể tới nước này và lưu trú tại đây nhưng không được quá 3 ngày.

Tại Hungary, Thủ tướng Viktor Orban thông báo sẽ công bố các biện pháp để từng bước dỡ bỏ lệnh phong tỏa nhằm sớm phục hồi nền kinh tế vào đầu tuần này. Tuy nhiên, theo ông Orban, người già và người có bệnh lý nền cần phải tiếp tục ở nhà.

Tại Đức, giải bóng đá vô địch quốc gia của nước này được dự kiến khởi động lại vào ngày 8/5.

Tuy nhiên, chắc chắn các trận bóng sẽ diễn ra mà không có khán giả và có lẽ các cầu thủ sẽ phải trang bị khẩu trang khi thi đấu trên sân cỏ, đây là khuyến nghị của Bộ Lao động Đức.

Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã ban bố áp đặt lệnh phong tỏa trong ba ngày tại 31 tỉnh kể từ ngày 1/5 trong nỗ ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Phát biểu sau khi tiến hành cuộc họp nội các trực tuyến, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết nước này vẫn sẽ tiếp tục áp đặt lệnh giới nghiêm trong những ngày cuối tuần cho đến khi kết thúc lễ Eid al-Fitr, dịp lễ quan trọng thứ hai trong năm theo lịch Hồi giáo, vào cuối tháng Năm tới.

Ông cũng nhấn mạnh Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang chuẩn bị một chương trình toàn diện nhằm đưa cuộc sống trở lại bình thường tại quốc gia này, đồng thời cho biết sẽ sớm công bố thông tin chi tiết của chương trình tới người dân.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã ba lần ban bố lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan nhanh của dịch bệnh COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.