Tổng thống Hàn Quốc đích thân tham gia vào các chiến lược xuất khẩu

Tổng thống Yoon tuyên bố sẽ nới rộng tài chính cho lĩnh vực thương mại tổng thể lên mức cao kỷ lục 285 tỷ USD để đạt mục tiêu giành được tổng cộng 50 tỷ USD đơn đặt hàng của nước ngoài.
Tổng thống Hàn Quốc đích thân tham gia vào các chiến lược xuất khẩu ảnh 1Các container hàng hóa tại cảng Busan, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, thông qua bài phát biểu đầu năm mới, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã kêu gọi thúc đẩy các chiến lược xuất khẩu mới nhằm đưa nước này vượt qua các cuộc khủng hoảng bên ngoài đang gây ra suy thoái kinh tế.

Trong thông điệp đưa ra ngày 1/1, Tổng thống Yoon cam kết sẽ đích thân tham gia vào các chiến lược xuất khẩu của quốc gia và tập trung vào lĩnh vực ngoại giao kinh tế.

Trong bài phát biểu của mình, ông Yoon nhấn mạnh tầm quan trọng của lĩnh vực xuất khẩu ở Hàn Quốc đồng thời cho rằng đã đến lúc phải thay đổi chiến lược xuất khẩu do các chính sách bảo hộ thương mại đang làm suy yếu các nỗ lực chung của thế giới nhằm giải quyết lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và biến động giá nguyên liệu thô.

Theo Tổng thống Yoon, trong bối cảnh hiện nay, các quốc gia chia sẻ các giá trị phổ quát về tự do, nhân quyền và pháp quyền đang liên kết với nhau thông qua các nền kinh tế và ngành công nghiệp của họ, và “sự đoàn kết dựa trên các giá trị phổ quát này là lựa chọn chiến lược nhất.”

Tổng thống Yoon cho biết xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà máy điện hạt nhân và công nghiệp quốc phòng sẽ là những động lực kinh tế mới của Hàn Quốc.

Ông tuyên bố sẽ nới rộng tài chính cho lĩnh vực thương mại tổng thể lên mức cao kỷ lục 360.000 tỷ won (285 tỷ USD) trong năm nay để đạt mục tiêu giành được tổng cộng 50 tỷ USD đơn đặt hàng ở nước ngoài.

[Hàn Quốc chú trọng giải quyết lạm phát và phục hồi xuất khẩu]

Ông Yoon cũng cam kết đẩy mạnh "các công nghệ chiến lược trong tương lai" như hàng không vũ trụ, trí tuệ nhân tạo và kỹ thuật sinh học, nêu bật cam kết dành khoản chi 30 nghìn tỷ won của chính phủ cho nghiên cứu và phát triển lĩnh vực hàng không vũ trụ.

Xuất khẩu, lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế Hàn Quốc trong năm 2022 đã tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng kỷ lục song đồng thời nước này cũng ghi nhận mức thâm hụt thương mại lớn nhất từ trước đến nay trong năm 2022 do giá năng lượng trên thị trường thế giới tăng cao.

Theo số liệu do Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc công bố ngày 1/1, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hàn Quốc năm 2022 đạt 683,9 tỷ USD - mức cao nhất kể từ năm 1956 khi nước này bắt đầu tổng hợp dữ liệu liên quan đến thương mại.

Giới chuyên gia nhận định, kết quả này có được là do nhu cầu toàn cầu vững chắc đối với các mặt hàng xuất khẩu chính của Hàn Quốc như chất bán dẫn và sản phẩm dầu mỏ, cũng như doanh số bán xe điện và pin sạc lớn nhất từ trước đến nay. Theo đó, Hàn Quốc trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ 6 thế giới - tăng một bậc so với năm 2021.

Top 5 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới năm 2022 gồm Trung Quốc, Mỹ, Đức, Hà Lan và Nhật Bản.

Trong khi đó, nhập khẩu của Hàn Quốc cũng tăng tới 18,9% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 731,2 tỷ USD, dẫn đến mức thâm hụt thương mại 47,2 tỷ USD.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2008 cán cân thương mại Hàn Quốc thâm hụt, với mức thâm hụt cao gấp hơn 2 lần so với mức kỷ lục trước đó là 20,62 tỷ USD ghi nhận vào năm 1996.

Các chuyên gia dự báo rằng xuất khẩu của Hàn Quốc năm 2023 sẽ giảm 4,5% do suy thoái kinh tế toàn cầu và nhu cầu chất bán dẫn giảm trên thị trường thế giới.

Chính vì điều này, chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu thông qua mở rộng tài trợ thương mại, gia tăng hiện diện của Hàn Quốc tại các thị trường mới nổi và các quốc gia giàu tài nguyên, đảm bảo duy trì đà tăng trưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.