Tổng thống Hàn Quốc thăm Mỹ: Sự chuyển hướng trong quan hệ đồng minh

Với chủ đề "Liên minh hành động, hướng tới tương lai," hàng loạt sự kiện trong đó có hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ và Hàn Quốc sẽ đề cập đến một loạt vấn đề tăng cường quan hệ song phương.
Tổng thống Hàn Quốc thăm Mỹ: Sự chuyển hướng trong quan hệ đồng minh ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. (Ảnh: AP)

Đúng dịp 70 năm thiết lập quan hệ đồng minh, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol có chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ kéo dài 6 ngày, bắt đầu từ 24/4 với nhiều kỳ vọng thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ song phương, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh và kinh tế.

Chuyến thăm của Tổng thống Yoon diễn ra trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên đang gia tăng căng thẳng với các hành động quân sự liên tiếp của các bên.

Triều Tiên tiến hành hàng loạt vụ thử tên lửa, trong đó có vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn mới Hwaseong-18 trong khi Hàn Quốc tăng cường tập trận quy mô lớn với Mỹ và củng cố liên minh quân sự 3 bên Hàn-Mỹ-Nhật.

Kỷ niệm 70 năm quan hệ đồng minh được xem là dấu mốc cho sự chuyển biến mới về chất trong quan hệ song phương Hàn-Mỹ.

Liên minh an ninh Mỹ-Hàn vốn duy trì lâu nay được kỳ vọng sẽ mở rộng sang các lĩnh vực kinh tế và công nghệ dưới các giá trị phổ quát của tự do, hòa bình, thịnh vượng và kinh tế thị trường rộng mở.

Trong phát biểu trước chuyến thăm, Tổng thống Yoon ca ngợi thành quả 70 năm của quan hệ đồng minh Hàn- Mỹ, coi đây là “liên minh thành công nhất trong lịch sử và trên hết là một liên minh giá trị.”

Với chủ đề "Liên minh hành động, hướng tới tương lai," hàng loạt sự kiện trong đó có hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Yoon và Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đề cập đến một loạt vấn đề tăng cường quan hệ song phương như hợp tác an ninh, quân sự, kinh tế, hỗ trợ đầu tư nước ngoài, giao lưu nhân dân.

Các vấn đề giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, hợp tác khu vực và các vấn đề quốc tế cũng sẽ được đề cập trong chương trình nghị sự.

Đặc biệt, dư luận Hàn Quốc kỳ vọng hội nghị thượng đỉnh giữa hai tổng thống sẽ thông qua tuyên bố chung, trong đó có cam kết mạnh mẽ của Mỹ về việc huy động toàn bộ khả năng quân sự, bao gồm cả hạt nhân, để bảo vệ đồng minh Hàn Quốc.

An ninh chắc chắn sẽ là trọng tâm trong chương trình nghị sự cuộc gặp lần thứ sáu giữa hai tổng thống. Những tiến bộ vượt bậc của Triều Tiên trong lĩnh vực tên lửa và hạt nhân đang khiến dư luận Hàn Quốc gia tăng lo ngại.

Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy gần 77% người dân Hàn Quốc nói rằng nước này cần sở hữu vũ khí hạt nhân, cho rằng có vũ khí hạt nhân mới là sự ngăn chặn mạnh mẽ và hiệu quả nhất đối với các cuộc tấn công hạt nhân.

Chính phủ Hàn Quốc thời gian qua đã nhiều lần thể hiện mong muốn chủ động tham gia vào kế hoạch tăng cường khả năng răn đe mở rộng từ khâu lập kế hoạch tác chiến chung, chia sẻ thông tin và huấn luyện liên quan đến vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Tổng thống Hàn Quốc thăm Mỹ: Sự chuyển hướng trong quan hệ đồng minh ảnh 2Cuộc tập trận không quân chung Mỹ-Hàn với sự tham gia của máy bay chiến đấu tàng hình F-35A, máy bay ném bom chiến lược B-52H của Mỹ và máy bay tiêm kích F-16 của Hàn Quốc, trên Bán đảo Triều Tiên ngày 14/4/2023. (Ảnh: YONHAP/TTXVN)

Cho đến nay, Mỹ cung cấp cho Hàn Quốc "chiếc ô hạt nhân" song không chia sẻ việc sử dụng vũ khí hạt nhân với Hàn Quốc và vẫn mạnh mẽ phản đối ý tưởng về việc Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân, khẳng định tiếp tục duy trì nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Các vấn đề kinh tế giữa Hàn Quốc và Mỹ cần giải quyết trong chuyến thăm cũng rất đáng kể. Nền kinh tế với xương sống là xuất khẩu các sản phẩm trụ cột như ôtô, chất bán dẫn, chíp điện tử, thiết bị công nghệ đang chịu nhiều rủi ro từ những chính sách bảo hộ và cuộc cạnh tranh thương mại gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tổng thống Yoon trong chuyến thăm này cần thuyết phục được sự hợp tác của chính giới Mỹ để đảm bảo các công ty Hàn Quốc sẽ không bị thiệt hại lớn vì việc Mỹ áp dụng Đạo luật giảm lạm phát (IRA) và Đạo luật Chip và Khoa học.

Doanh nghiệp Hàn Quốc trong 2 năm qua đã đầu tư lớn vào Mỹ với tổng số vốn lên tới hơn 100 tỷ USD. Tuy nhiên, vừa qua các nhà sản xuất ôtô nước ngoài, bao gồm Hyundai Motor và Kia Corp. của Hàn Quốc, đã bị loại khỏi danh sách các hãng xe điện đủ điều kiện nhận trợ cấp thuế tiêu dùng theo IRA.

Những điều kiện quá khắt khe của Đạo luật Chip cũng đang khiến các doanh nghiệp Hàn Quốc lo ngại sẽ chịu thiệt hại lớn.

Dư luận cho rằng Chính phủ Hàn Quốc cần có giải pháp hiện thực hóa lợi ích quốc gia trong các lĩnh vực có xung đột giữa các nước lớn.

Hàn Quốc cần phát triển quan hệ hợp tác với Mỹ trong các ngành công nghệ cao hướng tới tương lai như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, hàng không vũ trụ.

Đề cập mục đích chuyến thăm của Tổng thống Yoon, giới chức Mỹ cho rằng thông qua chuyến thăm này, "bề rộng và chiều sâu của mối quan hệ sẽ được củng cố và thể hiện đầy đủ.”

Quan hệ liên minh Mỹ-Hàn “đã phát triển vượt xa bán đảo Triều Tiên và trở thành một lực lượng vì lợi ích ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên toàn thế giới."

[Tổng thống Hàn Quốc bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ]

Chính phủ Hàn Quốc cuối năm 2022 đã công bố Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó thể hiện sự phối hợp với chính sách với Mỹ và Nhật Bản trong khu vực rộng lớn có tầm chiến lược này.

Tổng thống Yoon cũng chủ trương thúc đẩy vị thế của Hàn Quốc như một “quốc gia trụ cột toàn cầu” tương xứng với vị thế của nền kinh tế lớn thứ 10 trên thế giới.

Trong bối cảnh đó, việc tăng cường liên minh chiến lược toàn diện, toàn cầu với Mỹ và liên minh 3 bên Mỹ-Nhật-Hàn được xem là trọng tâm.

Tuy nhiên, dư luận trong nước cho rằng Tổng thống Yoon cần tỉnh táo và cân bằng trong quản lý rủi ro, duy trì sự mơ hồ chiến lược về các vấn đề ngoại giao nhạy cảm mà Mỹ đang đối lập với Trung Quốc và Nga nhằm tránh mắc kẹt và đối đầu trong cấu trúc đối kháng giữa hai bên gồm Hàn-Mỹ-Nhật và Triều Tiên-Nga-Trung.

Khi cuộc xung đột Nga-Ukraine ngày càng gây nhiều tác động tiêu cực, Hàn Quốc cũng đang chịu sức ép từ Mỹ và phương Tây trong tham gia hỗ trợ không chỉ trong lĩnh vực nhân đạo cho Ukraine.

Ngay trước chuyến thăm tới Mỹ, Tổng thống Yoon đã gây tranh cãi khi phát ngôn rằng đang xem xét khả năng cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine.

Với những phát ngôn như vậy, một số học giả cho rằng chính sách của Chính phủ Hàn Quốc đã không còn giữ được thế cân bằng và điều này có thể tác động đến quan hệ của Hàn Quốc với các nước như Nga, Trung Quốc cũng như cục diện tình hình bán đảo Triều Tiên.

Theo Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược Á-Âu Park Byung-hwan, để đối phó với các thách thức về an ninh, Hàn Quốc cần tăng cường quốc phòng và cải thiện hợp tác với Mỹ và Nhật Bản.

Giới phân tích chính trị thì cho rằng trong quan hệ đối ngoại, chính phủ của Tổng thống Yoon Suk-yeol cần giảm thiểu những yếu tố tiêu cực, thậm chí còn quan trọng hơn là tăng cường những yếu tố tích cực.

Nga là một bên quan trọng có liên quan đến việc giải quyết vấn đề Triều Tiên, cùng với Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Vì thế, không thể tiến hành ngoại giao "bỏ bên này theo bên kia."

Nếu không có sự hỗ trợ của Nga và Trung Quốc, 2 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế sẽ khó có thể giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên và tình hình an ninh tại khu vực Đông Bắc Á.

Trong bối cảnh diễn biến tình hình khu vực và thế giới đang có nhiều biến động phức tạp khó lường như hiện nay, dư luận chung kỳ vọng Tổng thống Hàn Quốc sẽ tìm ra giải pháp để tối đa hóa các cơ hội phát triển của quốc gia, đóng góp cho hòa bình, ổn định của bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á, đồng thời giảm thiểu các rủi ro nhằm duy trì mục tiêu phát triển đất nước bền vững và thịnh vượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.