Tổng thống Iran công bố sáng kiến bảo vệ Eo biển Hormuz

Tổng thống Rouhani nêu rõ sáng kiến hòa bình HOPE mà Iran dự kiến trình bày tại kỳ họp là nhằm đảm bảo an ninh tại Eo biển Hormuz, cũng như thiết lập một nền hòa bình và hợp tác lâu dài trong khu vực.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu tại Tehran. (Nguồn: IRNA/TTXVN)

Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 23/9 cho biết kế hoạch hòa bình mang tên "Nỗ lực vì Hòa bình cho Hormuz" (viết tắt là HOPE) được Tehran đưa ra nhằm thiết lập một nền hòa bình lâu dài trong khu vực.

Phát biểu trước khi lên đường tới New York (Mỹ) dự kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc dự kiến diễn ra trong tuần này, Tổng thống Rouhani nêu rõ sáng kiến hòa bình HOPE mà Iran dự kiến trình bày tại kỳ họp là nhằm đảm bảo an ninh tại Eo biển Hormuz, cũng như thiết lập một nền hòa bình và hợp tác lâu dài trong khu vực.

Ông nhấn mạnh tất cả các quốc gia tại Vịnh Persia, Eo biển Hormuz và Liên hợp quốc đều có thể tham gia HOPE, và Tehran sẵn sàng đối thoại với các nước trong khu vực về kế hoạch này.

Hiện, Mỹ đang cố gắng tập hợp một liên minh riêng do nước này đừng đầu nhằm bảo vệ Eo biển Hormuz cũng như các vùng biển khác tại vùng Vịnh Persian khỏi cái mà Washington cho là mối đe dọa từ Iran.

Cho tới nay, UAE, Saudi Arabia, Anh, Australia và Bahrain đã tuyên bố tham gia liên minh này.

Trong khi đó, một số nước như Pháp, Đức, Nhật Bản, Na Uy và Hàn Quốc, Iraq đã từ chối lời mời của Mỹ.

Cũng trong phát biểu trước khi lên đường tới New York, Tổng thống Iran tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, theo đó ngân hàng trung ương của Iran lần thứ 2 bị đưa vào danh sách đen, cho thấy "sự tuyệt vọng hoàn toàn" của Washington trước sự kháng cự của Tehran.

Trước đó, ngày 20/9, chính quyền Mỹ mở rộng danh sách trừng phạt Iran, trong đó có ngân hàng trung ương Iran, sau vụ các vụ tấn công ngày 14/9 vào các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia, mà Washington và Riyadh đổ lỗi do Tehran đứng đằng sau.

Iran đã bác bỏ mọi dính líu.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang trong hơn 1 năm qua, bắt đầu từ thời điểm Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 vào tháng 5/2018 và sau đó dần tái khôi phục các biện pháp trừng phạt đặc biệt nhằm vào mạng lưới tài chính và ngành kinh tế chủ lực của Iran là xuất khẩu dầu mỏ, với mục đích gây sức ép, buộc Tehran quay trở lại bàn đàm phán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục