Tổng thống Liban thông qua thỏa thuận phân định lãnh hải với Israel

Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Liban, ông Michel Aoun coi đây là "thành tựu lịch sử" trong đó Beirut đã giành lại được 860 km2 lãnh hải tranh chấp với Israel.
Tổng thống Liban Michel Aoun phát biểu tại cuộc họp ở Baabda. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Văn phòng Tổng thống Liban ngày 13/10 cho biết ông Michel Aoun đã chính thức thông qua thỏa thuận phân định lãnh hải với Israel.

Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Aoun coi đây là "thành tựu lịch sử" trong đó Beirut đã giành lại được 860 km2 lãnh hải tranh chấp với Israel.

Nhà lãnh đạo Liban bày tỏ hy vọng thỏa thuận sẽ đánh dấu một khởi đầu đầy hứa hẹn và đặt nền tảng cho tiến trình khôi phục nền kinh tế Liban vốn đang chìm sâu trong khủng hoảng.

Trước đó, ngày 12/10, nội các Israel đã bỏ phiếu thông qua các nguyên tắc của thỏa thuận này.

Thỏa thuận cùng các văn bản giải trình đã được gửi ngay trong ngày 12/10 tới Quốc hội Israel và được cơ quan lập pháp này chính thức bắt đầu nghiên cứu, thảo luận.

Quốc hội Israel không bỏ phiếu về thỏa thuận, mà thay vào đó sẽ chuyển lại văn kiện sau 14 ngày để Chính phủ Israel xem xét thông qua.

Thủ tướng Israel Yair Lapid cũng đã nhấn mạnh đây là dấu mốc lịch sử, góp phần tăng cường an ninh của Israel, đóng góp hàng tỷ USD vào nền kinh tế đất nước và đảm bảo ổn định khu vực biên giới phía Nam nước này.

[Israel: Thỏa thuận về ranh giới biển với Liban là dấu mốc lịch sử]

Liban và Israel không có quan hệ ngoại giao, hoạt động tuần tra khu vực biên giới giữa hai bên hiện do lực lượng của Liên hợp quốc đảm nhiệm.

Biên giới trên biển phía Bắc mà Israel tuyên bố chồng lấn biên giới phía Nam của Liban, gây ra tranh chấp giữa hai nước.

Năm 2020, Israel và Liban đã nối lại tiến trình đàm phán với vai trò trung gian của Mỹ và Liên hợp quốc, song các cuộc đàm phán gặp bế tắc do liên quan đến vùng biển giàu tài nguyên nằm trong khu vực tranh chấp, trong đó có mỏ khí đốt Karish mà Israel khẳng định quyền khai thác.

Phía Liban luôn nhấn mạnh mục tiêu của những cuộc đàm phán là bảo vệ các quyền lợi của nước này. Trong khi đó, Israel cũng có những nhượng bộ để thúc đẩy đàm phán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục