Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 23/5, trong chuyến thăm tới Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố một khuôn khổ mới nhằm hướng dẫn sự tham gia kinh tế của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Đây cũng là chuyến công du đầu tiên của ông Bien tới châu Á với tư cách là tổng thống Mỹ.
Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) nhằm mục đích làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại giữa Mỹ và các quốc gia khác ký kết như Australia, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Sáng kiến mới nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực 5 năm sau khi cựu Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thành tựu từ thời cựu Tổng thống Obama nhằm thúc đẩy sự can dự của Mỹ ở châu Á.
Theo Nhà Trắng, khuôn khổ sẽ tập trung vào các vấn đề quan trọng như thương mại, chuỗi cung ứng, biến đổi khí hậu và chống tham nhũng.
Nhà Trắng coi nỗ lực mới là một cách để giảm lạm phát trong nước trong dài hạn, điều mà Tổng thống Biden đã coi là ưu tiên hàng đầu.
Nhà Trắng nêu rõ: “Mỹ là một cường quốc kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương và việc mở rộng vai trò lãnh đạo kinh tế của Mỹ trong khu vực là điều tốt cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ - cũng như cho người dân trong khu vực."
Nhà Trắng cũng nhấn mạnh rằng rằng IPEF sẽ cho phép Mỹ và các đồng minh quyết định các quy tắc đảm bảo công nhân, doanh nghiệp nhỏ và chủ trang trại của Mỹ có thể cạnh tranh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
[Tổng thống Mỹ Joe Biden: 13 quốc gia đã tham gia sáng kiến IPEF]
Nhà Trắng cũng cho rằng, khuôn khổ này sẽ giúp giảm chi phí bằng cách làm cho chuỗi cung ứng của Mỹ linh hoạt hơn trong dài hạn, bảo vệ trước những gián đoạn tốn kém dẫn đến giá cao hơn cho người tiêu dùng.
Tổng thống Biden, người có chuyến đi bao gồm các điểm dừng ở Hàn Quốc và Nhật Bản, đã xuất hiện tại Phòng trưng bày Vườn Izumi ở Tokyo để đưa ra các nhận xét về khuôn khổ được chờ đợi từ lâu, sau cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.
Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng khuôn khổ "sẽ mở cho những người khác muốn tham gia trong tương lai nếu đáp ứng các mục tiêu cũng như làm việc để đạt được những mục tiêu đó."
Khuôn khổ IPEF được chia thành bốn “trụ cột” tập trung vào việc thiết lập các quy tắc mới cho thương mại và nền kinh tế kỹ thuật số, thúc đẩy hợp tác trên chuỗi cung ứng, thiết lập các cam kết mới về biến đổi khí hậu và nỗ lực ngăn chặn rửa tiền và hối lộ.
Theo khuôn khổ, các nước sẽ thiết lập "hệ thống cảnh báo sớm" và vạch ra các chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng để dự báo và ngăn chặn tốt hơn sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu như thế giới đã trải qua trong đại dịch COVID-19.
Nhưng khuôn khổ không đưa ra các mục tiêu cụ thể về biến đổi khí hậu hoặc các lĩnh vực trọng tâm khác, mà thay vào đó, khởi động các cuộc thảo luận để thiết lập các cam kết cụ thể./.