Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nhận định về việc tham gia IPEF

Tổng thống Hàn Quốc nói rằng nước này đương nhiên tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) do Mỹ đề xuất nhằm đặt ra các quy định cho hoạt động kinh tế-thương mại trong khu vực.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nhận định về việc tham gia IPEF ảnh 1Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 23/5, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho rằng việc nước này tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) do Mỹ đề xuất nhằm đặt ra các quy định cho các hoạt động kinh tế và thương mại trong khu vực, là đương nhiên.

Tổng thống Yoon Suk-yeol phát biểu như trên trước báo giới trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến chính thức công bố sáng kiến này tại Nhật Bản, điểm dừng chân thứ hai trong chuyến công du châu Á dầu tiên của ông.

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc nêu rõ: “IPEF không phải là một cuộc đàm phán thương mại với một số nội dung giống như hiệp định thương mại tự do (FTA). Đây là một quá trình thiết lập các quy định mang tính bao quát đối với các hoạt động kinh tế và thương mại ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vì vậy rõ ràng chúng ta phải tham gia vào khuôn khổ này. Nếu chúng ta tự loại mình ra khỏi quá trình thiết lập luật lệ, điều này sẽ gây nhiều tổn hại đối với lợi ích quốc gia.”

[Hàn Quốc: Chính phủ mới ưu tiên quản lý hiệu quả kinh tế vĩ mô]

Trước đó, ngày 21/5, trong khuôn khổ chuyến thăm Hàn Quốc của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Hàn Quốc và Mỹ đã nhất trí khởi động đối thoại cấp bộ trưởng để thảo luận về cách thức hợp tác trong chuỗi cung ứng các mặt hàng công nghiệp chủ chốt và các vấn đề an ninh kinh tế khác.

IPEF được coi là một khuôn khổ khu vực nhằm đảm bảo khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, việc thiết lập các quy định về kinh tế số và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch.

Thông qua IPEF, Mỹ muốn hợp tác chặt chẽ hơn với các nước về lĩnh vực thương mại kỹ thuật số, chuỗi cung ứng và công nghệ xanh. IPEF nhằm lấp lỗ hổng về chiến lược hợp tác kinh tế giữa Mỹ và châu Á mà Mỹ để lại hồi năm 2017 sau khi rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.