Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ không áp hạn ngạch đối với urani nhập khẩu nếu Bộ Thương mại nước này xác định rằng sản phẩm này không gây đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ.
Trong một thư báo được công bố trước đó, Tổng thống Trump nêu rõ ông không đồng ý với quan điểm của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross rằng urani nhập khẩu đe dọa ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Mỹ như đã nêu theo Điều 232 trong Đạo luật Mở rộng thương mại năm 1962.
Theo ông Trump, mặc dù tán thành rằng kết luận của Bộ Thương mại Mỹ dấy lên quan ngại sâu sắc liên quan đến sự tác động từ urani nhập khẩu đối với an ninh quốc gia, cụ thể là hoạt động khai mỏ trong nước, song ông cho rằng cần phải tiến hành một đánh giá đầy đủ hơn về mối quan ngại an ninh quốc gia liên quan đến chuỗi cung cấp nhiên liệu hạt nhân này.
Tuyên bố trên đã cho thấy quan điểm khác nhau của ông chủ Nhà Trắng liên quan đến việc áp thuế nhập khẩu đối với sản phẩm bị cho là làm suy yếu an ninh quốc gia Mỹ.
[Mỹ mở cuộc điều tra an ninh quốc gia với các mặt hàng urani nhập khẩu]
Trước đó, Tổng thống Trump đã viện dẫn cuộc điều tra theo Điều 232 và áp thuế đối với sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu đồng thời đe dọa có hành động tương tự với ô tô nhập khẩu.
Điều 232 của Đạo luật Mở rộng thương mại Mỹ cho phép Tổng thống Mỹ áo dụng biện pháp hạn chế đối với hàng nhập khẩu vì lý do an ninh quốc gia.
Hiện, Mỹ nhập khẩu gần 93% lượng urani, cao hơn so với mức 85,8% hồi năm 2009. Theo dữ liệu của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ, phần lớn lượng urani nhập khẩu vào nước này có nguồn gốc từ Canada, Australia, Nga và Kazakhstan.
Trước đó, trong một báo cáo gửi tổng thống hồi tháng 4, Bộ trưởng Thương Mại Ross nhận định các công ty do chính phủ nước ngoài quản lý đã gây xáo trộn giá cả thị thường urani và gây khó khăn cho ngành khai mỏ tại Mỹ.
Tổng thống Trump sau đó đã yêu cầu một nhóm làm việc đưa ra các khuyến nghị giúp cải thiện sản xuất nhiên liệu hạt nhân trong nước trong vòng 90 ngày.
Ông cũng từng nhiều lần có ý định viện dẫn Điều 232 để tiến hành điều tra urani nhập khẩu có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Mỹ hay không, song điều này đã vấp phải sự phản đối của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Một số nhà máy điện hạt nhân Mỹ đã phản đối việc áp đặt hạn ngạch urani nhập khẩu, quan ngại rằng họ có thể đối với chi phí cao hơn nếu chính sách này có hiệu lực, đặc biệt khi thị phần của những công ty này bị các công ty năng lượng gió và khí đá phiến "lấn át."
Một số ý kiến khác cho rằng việc tiến hành điều tra theo Điều 232 là hành động chủ nghĩa bảo hộ, chỉ với mục đích bảo vệ một ngành công nghiệp vốn gặp khó khăn trong nhiều năm qua./.