Tổng thống Mỹ-Hàn Quốc điện đàm khẩn sau khi Triều Tiên phóng tên lửa

Tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ lãnh đạo Mỹ-Hàn đã khẳng định hành động phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên không chỉ tiềm ẩn nguy cơ đe dọa hai nước mà còn cả thế giới.
Tổng thống Mỹ-Hàn Quốc điện đàm khẩn sau khi Triều Tiên phóng tên lửa ảnh 1Một vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm Hwasong-12 của Triều Tiên ngày 14/5. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, ngày 29/11, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhận định công nghệ tên lửa của Triều Tiên dường như đã được cải tiến sau vụ phóng vật thể được cho là một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Nhận định của Tổng thống Moon được đưa ra trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Donald Trump. Phát biểu tại họp báo, người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Park Soo-hyun cho biết cũng trong cuộc điện đàm này, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí phối hợp chặt chẽ cùng cộng đồng quốc tế duy trì sức ép và trừng phạt tối đa đối với Triều Tiên để đưa Bình Nhưỡng vào bàn đàm phán.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc dẫn phát biểu của ông Moon Jae-in nhấn mạnh: "Nếu Triều Tiên hoàn thiện tên lửa đạn đạo có khả năng vươn tới một lục địa khác, tình hình có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Chúng ta cần phải ngăn chặn tình huống Bình Nhưỡng tính toán sai lầm và đe dọa chúng ta bằng vũ khí hạt nhân, hoặc Mỹ sẽ xem xét tấn công phủ đầu."

Tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ lãnh đạo Mỹ-Hàn đã khẳng định hành động phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên không chỉ tiềm ẩn nguy cơ đe dọa hai nước mà còn cả thế giới.

Cả hai nhà lãnh đạo tiếp tục chỉ trích Triều Tiên phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo, đồng thời cho rằng những vũ khí này sẽ làm suy yếu an ninh Bình Nhưỡng và khiến nước này bị cô lập về ngoại giao và kinh tế.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo Ngoại trưởng Kang Kyung-wha và người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson của Mỹ đã có cuộc điện đàm khẩn về vụ Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo trước đó cùng ngày, đồng thời cam kết sẽ thực hiện mọi nỗ lực ngoại giao nhằm phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Trong cuộc điện đàm kéo dài 20 phút này, hai vị ngoại trưởng đã thảo luận sâu về cách thức xử lý vụ thử tên lửa và bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Triều Tiên nối lại các hành động khiêu khích liều lĩnh bất chấp những lời cảnh báo của cộng đồng quốc tế.

Hai bên cũng cam kết tìm kiếm mọi nỗ lực ngoại giao nhằm đạt được việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên, trong đó có cả các biện pháp trừng phạt và gây sức ép mạnh mẽ. Thông báo còn nêu rõ Hàn Quốc và Mỹ đã nhất trí duy trì khả năng răn đe quân sự mạnh mẽ trước các hành động khiêu khích tiếp theo của Triều Tiên. Bà Kang Kyung-wha đã cam kết Chính phủ Hàn Quốc sẽ giải quyết hậu quả của vụ thử tên lửa để tổ chức Thế vận hội mùa Đông PyeongChang vào tháng 2/2018 một cách an toàn. Ngoại trưởng Tillerson đã bày tỏ ủng hộ cam kết này.

Cùng ngày, các chính đảng của Hàn Quốc đã chỉ trích vụ Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo, cảnh báo rằng những hành động phô trương sức mạnh của Triều Tiên sẽ chỉ dẫn đến việc nước này bị cô lập hơn nữa và phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn.

Nữ phát ngôn viên Back Hye-ryun của đảng Dân chủ cầm quyền. nhấn mạnh những hành động khiêu khích như vậy là không thể dung thứ và nếu Triều Tiên tiếp tục các hành động khiêu khích thay vì theo đuổi đối thoại, họ sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ chưa từng thấy. Chủ tịch đảng Dân chủ Choo Mi-ae nêu rõ Bình Nhưỡng chỉ có thể đảm bảo được an ninh thông qua đối thoại và cùng tồn tại hòa bình chứ không phải là việc sở hữu các loại vũ khí hạt nhân.

Đảng Hàn Quốc Tự do đối lập chính đã kêu gọi chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ và Nhật Bản để kiềm chế Triều Tiên, cho rằng hành động khiêu khích của Triều Tiên đã gây ra một mối đe dọa với toàn thế giới.

Về phần mình, đảng Nhân dân thuộc phe đối lập cũng nhấn mạnh Hàn Quốc và Mỹ cần tìm cách cắt hoàn toàn nguồn cung cấp dầu cho Triều Tiên, trong khi đảng Bareun kêu gọi chính phủ xem xét định hướng lại chính sách tập trung vào đối thoại với Triều Tiên.

Trước đó, hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn tin của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) Hàn Quốc cho biết họ nhận định Triều Tiên đã phóng loại tên lửa đạn đạo tầm xa Hwasong-15. Bộ Quốc phòng Nhật Bản xác nhận tên lửa của Bình Nhưỡng đã bay khoảng 1.000km trước khi rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.