Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 16/11 đã nhấn mạnh mối quan hệ mạnh mẽ với các nền kinh tế thuộc diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á -Thái Bình Dương (APEC).
Bên lề Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, Tổng thống Biden đã có cuộc gặp với các giám đốc điều hành doanh nghiệp.
Tại đây, ông đã nhấn mạnh đến các dự án đầu tư của các công ty Mỹ tại khu vực này, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như các tập đoàn công nghệ Amazon và Apple, hãng hàng không Delta Air Lines, công ty đồ uống PepsiCo, và nhà sản xuất máy bay Boeing.
Nhấn mạnh "thể trạng" của nền kinh tế Mỹ, ông Biden cho biết các nền kinh tế APEC chiếm đến 60% xuất khẩu của Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất tại các nền kinh tế này, với cam kết ít nhất 40 tỷ USD trong năm 2023.
Hội nghị Bộ trưởng APEC: Xây dựng tương lai bền vững và tự cường
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết cho biết các nội dung kết nối, đổi mới, tăng cường tính toàn diện và giải phóng tiềm năng con người là các ưu tiên trong những ngày tới tại Hội nghị.
Ngược lại, nhà lãnh đạo này cho biết các công ty có trụ sở tại các nền kinh tế APEC khác đã đầu tư hơn 200 tỷ USD tại Mỹ kể từ đầu nhiệm kỳ của ông vào năm 2021. Ông khẳng định các nền kinh tế APEC dựa vào Mỹ như “một đối tác ổn định và mạnh mẽ.”
Tổng thống Biden cho biết Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện các tiêu chuẩn lao động và giữ vững các cam kết với các tổ chức nghiệp đoàn.
Kỳ vọng về một thỏa thuận thương mại giữa 14 thành viên của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) đã không thành hiện thực trong tuần này. Nhiều nguồn thạo tin cho hay các thành viên đã không thể đồng thuận về việc cải thiện các tiêu chuẩn lao động và môi trường.
Các nền kinh tế APEC đang theo dõi sát những diễn biến giữa Mỹ và Trung Quốc, khi vẫn có lo ngại rằng sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn giữ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này có thể ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu.
Về phía mình, ông Biden cho biết Mỹ cam kết với khu vực châu Á-Thái Bình Dương và ông đã nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Mỹ tham gia vào khu vực này vì Mỹ là “một quốc gia ở Thái Bình Dương.”
Ông khẳng định Mỹ không phải đang tách rời nền kinh tế khỏi Trung Quốc, mà nước này chỉ đang “giảm rủi ro và đa dạng hóa” nền kinh tế./.