Tổng thống Mỹ Joe Biden nhắc đến quyền sử dụng Tu chính án 14 về mức trần nợ công.
Ngày 21/5, trong trả lời câu hỏi phóng viên tại Hiroshima, Nhật Bản, Tổng thống Biden cho biết mình có thể sử dụng quyền lực này để đơn phương ứng phó với khủng hoảng trần nợ công.
Tuy nhiên, ông Biden cũng hiểu việc này có thể gây tranh cãi về mặt pháp lý và dẫn đến vỡ nợ.
[Lưỡng đảng Mỹ tiếp tục đàm phán về trần nợ công vào ngày 22/5]
Tổng thống Biden cũng cho biết thêm Nhà Trắng và các lãnh đạo Quốc hội trong cuộc họp gần đây đã đi đến thống nhất rằng không nên để đất nước vào tình trạng vỡ nợ, hàm ý hy vọng mình sẽ không phải sử dụng đến quyền áp dụng Tu chính án 14 này.
Tuyên bố của Tổng thống Biden ngày 21/5 đến nay là phát ngôn mạnh mẽ nhất liên quan đến việc áp dụng nội dung Tu chính án 14, là nội dung tranh luận giữa các chuyên gia pháp luật và quan chức chính quyền khi nguy cơ vỡ nợ của nước Mỹ đang cận kề.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã cảnh báo nếu trần nợ của Mỹ không được nâng lên trước ngày 1/6 thì nước Mỹ có thể vỡ nợ.
Hạ nghị sỹ Garret Graves, một trong những nhà đàm phán của đảng Cộng hòa cho biết đảng Cộng hòa sẽ kiên trì yêu cầu giới hạn chi tiêu trong nhiều năm và mức trần này đang là trọng tâm của cuộc đàm phán.
Theo Tu chính án 14, “tính hợp lệ của khoản nợ công sẽ không thể bị nghi ngờ,” tức là Mỹ có thể vay thêm tiền ngay cả khi Quốc hội không hành động cho phép nâng mức trần nợ công.
Tuy nhiên, vào đầu tháng 5, Tổng thống Biden cho biết mình hiểu không nên áp dụng giải pháp này trong khi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết việc áp dụng Tu chính án 14 sẽ tạo ra một “cuộc khủng hoảng hiến pháp.”
Tổng thống Biden cho biết mình sẽ tiếp tục thảo luận với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng hòa, California) trong ngày 22/5, ngay khi ông Biden trở về sau chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại Hiroshima (Nhật Bản)./.