Tổng thống Mỹ Obama bắt đầu chuyến công du châu Á

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã rời Washington, bắt đầu chuyến công du kéo dài một tuần đưa ông tới các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Phillippines.
Tổng thống Mỹ Obama bắt đầu chuyến công du châu Á ảnh 1Tổng thống Mỹ Barak Obama. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đêm 22/4 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã rời Washington, bắt đầu chuyến công du kéo dài một tuần đưa ông tới các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Phillippines.

Đây là chuyến thăm thứ năm tới châu Á kể từ khi ông Obama trở thành Tổng thống Mỹ.

Dự kiến, tại mỗi chặng dừng chân, Tổng thống Obama sẽ cùng lãnh đạo các nước thảo luận về các vấn đề an ninh mà khu vực phải đối mặt cũng như hợp tác phát triển kinh tế, đặc biệt là thúc đẩy đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trước thềm chuyến công du, giới chức an ninh Mỹ đã khẳng định mục tiêu của chuyến đi của Tổng thống Obama là nhằm tái khẳng định các cam kết với khu vực cũng như về chiến lược ngoại giao tái cân bằng đối với châu Á-Thái Bình Dương mà Washington tuyên bố cách nay ba năm.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh tình hình tại Trung Đông và Ukraine có nhiều diễn biến phức tạp, phần nào chi phối sự quan tâm của Mỹ.

Ông Evan Medeiros, trợ lý đặc biệt của tổng thống và là quan chức cấp cao phụ trách các vấn đề châu Á tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, khẳng định chuyến công du phản ánh tái cân bằng ở châu Á là một chiến lược đối ngoại toàn diện của Mỹ đồng thời cho thấy Nhà Trắng có khả năng cùng lúc thực thi chính sách của mình trên nhiều khu vực.

Trong khi đó, Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes cho rằng thông qua chuyến công du với chặng dừng chân đầu tiên là Nhật Bản, Washington tái khẳng định cam kết của mình đối với an ninh của Tokyo.

Ông lưu ý tới Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật và khẳng định "Mỹ sẽ luôn tôn trọng cam kết bảo vệ Nhật Bản."

Quan chức Nhà Trắng này cũng một lần nữa nhấn mạnh Nhật Bản và Trung Quốc cần giải quyết tranh chấp lãnh thổ thông qua đối thoại trong bối cảnh tình hình tại Biển Hoa Đông vẫn đang diễn biến phức tạp.

Về phần mình, ông Medeiros đã hoan nghênh việc Nhật Bản xem xét lại cơ sở pháp lý của quyền phòng vệ tập thể, cho rằng quyết định trên sẽ giúp tăng cường hợp tác song phương cũng như tạo điều kiện để liên minh hai nước đóng góp tốt hơn cho hòa bình và ổn định khu vực châu Á-Thái Bình Dương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.