Trước diễn biến khó lường của đại dịch Ebola, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 2/12 đã hối thúc Quốc hội lưỡng viện của nước này nhanh chóng thông qua quỹ hỗ trợ trị giá 6,2 tỷ USD nhằm giúp ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trên, đồng thời cảnh báo cuộc chiến chống Ebola sẽ gặp khó khăn nếu thiếu hụt về tài chính.
Phát biểu tại Viện Y tế Quốc gia ở Bethesda, bang Maryland, Tổng thống Obama kêu gọi các nhà lập pháp nước này gạt bỏ những bất đồng về ngân sách và thông qua quỹ hỗ trợ khẩn cấp chống dịch Ebola trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh.
Ông chủ Nhà Trắng khẳng định khoản tiền hơn 6 tỷ USD trên không còn là vấn đề tranh cãi của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, mà trở thành một vấn đề chung.
Theo ông Obama, dịch Ebola cần phải được tiêu diệt hoàn toàn và cuộc chiến ngăn chặn sự lây lan của virus chết người này đòi hòi thêm hỗ trợ về tài chính, "tiếp sức" cho các nước Tây Phi, vốn đang vật lộn với dịch bệnh này.
Số tiền 6,2 tỷ USD trong Quỹ hỗ trợ khẩn cấp trên sẽ phân bổ 2 tỷ USD cho Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ, 2,4 tỷ USD cho Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh và hơn 1,5 tỷ USD cho một quỹ ứng phó khẩn cấp. Bên cạnh hỗ trợ về tài chính, Washington cũng đã tăng cường nguồn nhân lực đến các nước nằm trong vùng dịch.
Cho đến nay, có khoảng 200 nhân viên y tế cùng 3.000 lính quân y được triển khai tại khu vực Tây Phi, phần lớn tập trung tại Liberia, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch Ebola.
Cùng ngày, Trung tâm kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh liên bang (CDC) đã chỉ định 35 bệnh viện trên toàn nước này là nơi điều trị bệnh nhân nhiễm virus Ebola.
Theo thông cáo của CDC, động thái này là bước chuẩn bị để đối phó với mọi trường hợp lây nhiễm virus Ebola mới tại Mỹ trong bối cảnh dịch bệnh này lây lan mạnh tại khu vực Tây Phi. Trước đó, CDC đã đưa ra loạt biện pháp ngăn ngừa sau khi hai nữ y tá tại một bệnh viện ở thành phố Dallas, bang Texas đã lây nhiễm virus Ebola trong quá trình điều trị bệnh nhân người Liberia Thomas Duncan hồi tháng 10 vừa qua.
Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca lây nhiễm virus Ebola đã vượt quá con số 17.000 trường hợp, phần lớn tập trung tại các nước Guinea, Liberia và Sierra Leone. Trong số bệnh nhân lây nhiễm này, hơn 6.000 người đã tử vong./.