Tổng thống Mỹ yêu cầu Ấn Độ rút lại quyết định tăng thuế

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 27/6 đã yêu cầu Ấn Độ rút lại quyết định tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ, coi đây là động thái "không thể chấp nhận".
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Ảnh: AP)

Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump bày tỏ trông đợi cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi để có thể phản đối việc New Delhi áp thuế rất mạnh tay đối với hàng hóa Mỹ trong suốt nhiều năm qua, thậm chí gần đây còn tăng thuế lên mức cao hơn.

Ông Trump nhấn mạnh: "Đây là điều không thể chấp nhận và mức thuế trên phải được rút lại". 

Tuy nhiên, các nguồn tin chính phủ đã bác bỏ quan điểm trên của Tổng thống Trump, cho rằng mức thuế mà Ấn Độ đang áp dụng đối với hàng hóa Mỹ không cao so với các nước đang phát triển khác, trong khi mức thuế mà Washington áp đối với một số mặt hàng nhập khẩu của Ấn Độ còn cao hơn nhiều.

Hiện Bộ Thương mại Ấn Độ chưa đưa ra bình luận nào về tuyên bố trên của Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

[Quan chức Mỹ và Ấn Độ thảo luận để tháo gỡ những bất đồng]

Giới phân tích nhận định tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Trump cho thấy quan hệ thương mại giữa Mỹ và Ấn Độ đang xấu đi nhanh chóng, gây tổn hại tới những nỗ lực của Ngoại trưởng Mike Pompeo, người vừa kết thúc chuyến thăm Ấn Độ nhằm thu hẹp bất đồng giữa hai nước. 

Quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ đang gặp nhiều sóng gió với tâm điểm là những bất đồng về thương mại. Việc Tổng thống Trump thúc đẩy chính sách "Nước Mỹ trước tiên", từ chối miễn trừ Ấn Độ khỏi các mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm thép và nhôm, và mới đây nhất là chấm dứt chương trình ưu đãi thương mại đối với New Delhi trong khuôn khổ chương trình Hệ thống Ưu đãi phổ cập (GSP) kể từ ngày 5/6, đã khiến mối quan hệ đồng minh Washington-New Delhi trở nên rạn nứt.

Đáp trả động thái mới nhất này, Ấn Độ đã tăng thuế đối với 28 mặt hàng nhập khẩu của Mỹ từ ngày 16/6 sau nhiều lần trì hoãn kể từ khi công bố kế hoạch này hồi năm ngoái. Không chỉ vậy, việc Ấn Độ có kế hoạch mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga trị giá 5,2 tỷ USD cũng là trở ngại lớn trong quan hệ hai nước, làm dấy lên khả năng Washington áp đặt trừng phạt New Delhi liên quan đến thương vụ này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục