Ngày 13/7, Tổng thống Peru Martin Vizcarra đã ký quyết định bãi nhiệm Bộ trưởng Tư Pháp Salvador Heresi sau vụ bê bối rò rỉ hàng loạt các đoạn băng ghi âm cho thấy sự bất ổn trong ngành tư pháp nước này.
Trong thông báo trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Peru cho biết đã yêu cầu ông Heresi từ chức để đảm bảo cải cách hệ thống tư pháp diễn ra thuận lợi trong giai đoạn mà quốc gia Nam Mỹ này cần phải có những hành động cứng rắn. Ông Vizcara cũng đã chỉ định thành lập một ủy ban soạn thảo đề xuất cải cách tư pháp trong 12 ngày.
Động thái trên được đưa ra sau khi một đoạn hội thoại giữa Bộ trưởng Tư pháp Heresi và Thẩm phán Tòa án Tối cao Cesar Hinosstroza, một trong các nhân vật trung tâm của vụ bê bối, được công bố trên truyền hình.
Ông Heresi cũng xác nhận trên Twitter rằng ông đã đệ đơn xin từ chức để Tổng thống Vizcarra có thể "rộng đường" triển khai kế hoạch cải cách tư pháp.
Trước đó, ngày 11/7, Tổng thống Vizcara đã cam kết tiến hành cải cách hệ thống tư pháp nhằm trấn an hàng nghìn người biểu tình ở thủ đô Lima.
[Peru điều tra các cựu tổng thống nghi nhận hối lộ từ Odebrecht]
Các đoạn băng ghi âm, bắt đầu được công bố từ ngày 8/7 vừa qua trên chuyên trang báo chí điều tra IDL-Reporteros và kênh truyền hình Canal 5, cho thấy có tình trạng "ngã giá" cho các mức án phạt và lạm dụng ảnh hưởng trong hệ thống tư pháp Peru.
Cũng trong ngày 13/7, 8 nhân vật khác trong đó có 5 thẩm phán và 3 quan chức tư pháp đã bị đình chỉ công tác do liên quan tới vụ bê bối kể trên. Cho tới nay, thẩm phán cấp cao nhất bị đình chỉ công tác là Walter Rios, Giám đốc Tòa Thượng thẩm của thành phố Callao gần thủ đô Lima.
Văn phòng Công tố đã mở cuộc điều tra về nghi vấn lạm dụng ảnh hưởng trong hệ thống tư pháp kể từ sau khi vụ bê bối này nổ ra.
Các vụ rò rỉ băng ghi âm và ghi hình từng là khởi đầu khiến các cựu Tổng thống Peru Alberto Fujimori và Pedro Pablo Kuczynski phải từ chức./.