Phủ Tổng thống Pháp cho biết ngày 31/8, Tổng thống Emmanuel Macron và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani đã có cuộc điện đàm, trong đó hai bên nhất trí duy trì liên lạc trong những ngày tới nhằm tìm kiếm giải pháp cho nhiều vấn đề khu vực, bao gồm hồ sơ hạt nhân của Tehran.
Thông cáo báo chí của Phủ Tổng thống Pháp nêu rõ, tiếp theo các cuộc trao đổi tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) tại thành phố Biarritz, của Pháp, Tổng thống Macron đã nhấn mạnh tầm quan trọng của động lực đang diễn ra tạo điều kiện cho việc giảm căng thẳng thông qua đối thoại và việc xây dựng một giải pháp lâu dài trong khu vực.
Trong cuộc điện đàm, nhà lãnh đạo Pháp tái khẳng định Iran phải tuân thủ đầy đủ những cam kết hạt nhân và có các biện pháp cần thiết nhằm tái thiết lập hòa bình và an ninh tại khu vực Trung Đông.
Thông cáo cho biết hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tiếp tục liên lạc trong những ngày tới.
[Các nước châu Âu quyết tâm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran]
Về phần mình, Tổng thống Rouhani cảnh báo nếu các nước châu Âu tham gia thỏa thuận hạt nhân năm 2015, tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), không thể "hành động hóa" các cam kết của mình, Iran sẽ có bước tiếp theo giảm các cam kết của Tehran trong JCPOA, tương tự như các biện pháp trước đó.
Theo ông Rouhani, kể từ khi Mỹ rút khỏi JCPOA, các nước châu Âu chưa có biện pháp cụ thể để triển khai các cam kết của mình.
Nhà lãnh đạo Iran nhấn mạnh nội dung trong JCPOA là không thể thay đổi và các bên phải tuân thủ những nội dung này.
Hồi cuối tuần trước, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã bất ngờ tới Biarritz, nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G7, và tiến hành các cuộc đối thoại bên lề với Tổng thống Emmanuel Macron và các quan chức Pháp khác.
Các cuộc gặp này được cho là nhằm mở đường cho một giải pháp ngoại giao giải quyết tình trạng căng thẳng giữa Iran và Mỹ.
Ngay sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper lên tiếng hối thúc Iran tham gia các cuộc thảo luận với Mỹ nhằm giảm tình trạng căng thẳng tại vùng Vịnh.
Căng thẳng Mỹ- Iran tái bùng phát kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tháng 5/2018 tuyên bố Mỹ rút khỏi JCPOA vì cho rằng thỏa thuận chưa chặt chẽ.
Từ đó, Mỹ dần tái áp đặt và gia tăng các biện pháp trừng phạt Iran, đặc biệt nhằm vào mạng lưới tài chính và ngành kinh tế chủ lực của Iran là xuất khẩu dầu mỏ, nhằm gây áp lực buộc Tehran quay trở lại bàn đàm phán.
Một năm sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Iran cũng tuyên bố giảm tuân thủ các cam kết của Tehran trong thỏa thuận./.