Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena ngày 25/11 một lần nữa thổi bùng lên cuộc khủng hoảng chính trị vốn làm tê liệt chính phủ nước này trong hơn một tháng khi tuyên bố "không bao giờ" tái bổ nhiệm đối thủ là ông Ranil Wickremesinghe làm Thủ tướng.
Trong bối cảnh đảng Thống nhất Dân tộc (UNP) của ông Wickremesinghe nắm đa số trong Quốc hội, nỗ lực của ông Sirisena đưa cựu Tổng thống Mahinda Rajapakse trở lại đã thất bại.
Mặc dù vậy, trong cuộc họp với các phóng viên nước ngoài, Tổng thống Sirisena đã cáo buộc ông Wickremesinghe, người bị cách chức hôm 26/10 vừa qua, là một "kẻ tham nhũng."
Ông Sirisena khẳng định: "Ngay cả khi đảng UNP nắm đa số, tôi đã yêu cầu họ không đề cử ông Ranil Wickremesinghe, tôi sẽ không để ông ta làm Thủ tướng."
Căng thẳng trên chính trường Sri Lanka bùng phát từ ngày 26/10 vừa qua, khi Tổng thống Maithripala Sirisena bất ngờ cách chức Thủ tướng Ranil Wickremesinghe và bổ nhiệm cựu Tổng thống Mahinda Rajapakse lên thay.
[Khủng hoảng Sri Lanka: Quốc hội trao quyền cho Thủ tướng bị cách chức]
Tổng thống Sirisena cũng đình chỉ hoạt động của Quốc hội từ ngày 27/10 và ấn định thời điểm tiến hành bầu cử sớm. Tuy nhiên, ông Wickremesinghe cho rằng việc cách chức ông là vi hiến, và ông vẫn là thủ tướng hợp pháp.
Chủ tịch Quốc hội Karu Jayasuriya ủng hộ ông Wickremesinghe và hiện đảng của ông vẫn nắm đa số trong cơ quan lập pháp.
Trong bối cảnh bất đồng gay gắt hiện nay, chính phủ của tân Thủ tướng Rajapakse, người đã 2 lần bị Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm, có thể không có ngân sách hoạt động.
Các nghị sỹ phản đối ông Rajapakse tuyên bố ý định không chi trả lương cho nhân viên cũng như các chi phí khác trong một cuộc bỏ phiếu vào ngày 29/11 tới.
Ngoài ra, phe đối lập vốn coi chính phủ hiện nay là bất hợp pháp, cũng tuyên bố sẽ tìm cách thông qua quyết định cắt bỏ toàn bộ ngân sách hoạt động của chính phủ./.