Tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) vừa diễn ra tại thành phố Johannesburg, Nam Phi, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã đề xuất BRICS nên bổ sung chữ "T" (ám chỉ chữ đầu của từ "Turkey" - Thổ Nhĩ Kỳ) vào tên viết tắt của tổ chức này.
Phát biểu trên nhật báo Hurriyet, Tổng thống Erdogan cho biết đề xuất của ông đã nhận được sự tán thưởng của các thành viên BRICS hiện tại (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).
Trước đó, tại cuộc gặp với Tổng thống Erdogan bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác và liên lạc với Thổ Nhĩ Kỳ thông qua mô hình BRICS+.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng hối thúc các nước thành viên BRICS tiếp tục mở rộng hơn nữa mô hình hợp tác BRICS+, từ đó giúp duy trì hệ thống thương mại đa phương và chống lại chủ nghĩa bảo hộ.
[Trung Quốc hoan nghênh đề xuất gia nhập BRICS của Thổ Nhĩ Kỳ]
Theo giới phân tích, động thái đề nghị gia nhập BRICS nêu trên cho thấy Tổng thống Erdogan đang tìm cách đa dạng hóa chính sách đối ngoại của Ankara, trong bối cảnh tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU) lâu nay bị đình trệ và mối quan hệ với Mỹ đang trong giai đoạn căng thẳng.
Đài RT dẫn lời Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Nga thuộc Quỹ Văn hóa và Thiên nhiên, ông Evgeniy Bakhrevskiy, cho rằng sự chuyển hướng của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ bắt nguồn từ thái độ giận dữ gia tăng của nước này với phương Tây.
Trong khi đó, theo nhà nghiên cứu Stevan Gajic thuộc Viện nghiên cứu châu Âu ở Belgrade (Serbia), đề xuất của Tổng thống Erdogan không phải là những cân nhắc về mặt địa chính trị, mà chỉ "mang tính cá nhân.”
Ông nhận định chính cuộc đảo chính bất thành hồi năm 2016 và việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad chiến thắng ở Syria nhờ sự hỗ trợ của Nga là hai nhân tố chính khiến quan điểm của ông Erdogan thay đổi.
Ankara đưa ra đề xuất trên trong bối cảnh giấc mơ lâu nay của Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU đang bị giậm chân tại chỗ.
Ông Bakhrevskiy nhấn mạnh dù EU là đối tác thương mại hàng đầu của Ankara, song Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bị mắc kẹt trong “phòng chờ” của khối này.
Ngoài ra, mối quan hệ của Ankara với Washington cũng đang trải qua nhiều gai góc, với “quan điểm phản đối Mỹ rất mạnh mẽ ở hầu hết các tầng lớp trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ,” xuất phát từ việc Mỹ hậu thuẫn các tay súng người Kurd chiến đấu chống IS.
Trước việc Thổ Nhĩ Kỳ không có ý định từ bỏ NATO, chuyên gia Bakhrevskiy cũng lưu ý BRICS là “một khối rất dân chủ,” không đòi hỏi bất kỳ “sự hy sinh” đặc biệt nào như việc rời EU hay NATO để gia nhập BRICS./.