Ngày 28/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký kết một sắc lệnh nhằm tước quyền miễn trừ pháp lý của các công ty mạng xã hội lớn như Twitter cho các nội dung được đăng tải trên nền tảng của họ.
Động thái này bị giới chỉ trích gọi là hành động trả thù chính trị mang tính pháp lý mơ hồ.
Sắc lệnh hành pháp này kêu gọi các cơ quan chính phủ đánh giá xem liệu các nền tảng trực tuyến (online) có đủ điều kiện để bảo đảm trách nhiệm pháp lý cho những nội dung do hàng triệu người dùng đăng tải hay không.
Nếu được thực thi, sắc lệnh này sẽ thay đổi tiền lệ kéo dài hàng chục năm qua và sẽ coi các nền tảng trên mạng Internet là “nhà xuất bản” chịu trách nhiệm pháp lý cho các nội dung mà người dùng đăng tải.
Tổng thống Trump phát biểu với các phóng viên tại Nhà Trắng rằng ông hành động như vậy bởi các công ty công nghệ lớn “đã lạm dụng quyền kiểm duyệt, hạn chế, sửa đổi, định hướng, che giấu và thay đổi mọi hình thức thông tin liên lạc giữa các cá nhân hoặc công chúng. Chúng ta không thể để điều này tiếp tục diễn ra."
Động thái này diễn ra chỉ một ngày sau khi nhà lãnh đạo Mỹ bày tỏ tức giận với Twitter sau khi nền tảng này lần đầu tiên gắn nhãn hai dòng tweet của ông về chủ đề bỏ phiếu qua bưu điện gây tranh cãi với dòng cảnh báo “hãy kiểm chứng sự thật."
Khi bấm vào cảnh báo đó, người đọc được kết nối đến trang khác trong đó viết rằng các thông tin mà ông Trump đưa ra là sai sự thật. Ông Trump nói: “Trong những thời điểm như vậy, Twitter không còn là một nền tảng trung lập công cộng và họ đã trở thành một biên tập viên có quan điểm. Tôi cho rằng chúng ta cũng có thể đề cập đến các nền tảng khác, như Google, Facebook và có thể là nhiều trang mạng khác nữa."
Tuy nhiên, giới chỉ trích cho rằng ông Trump không có quyền kiểm soát các nhà điều hành Internet tư nhân hay thay đổi Mục 230 Đạo luật về truyền thông vốn giúp các nền tảng online như Facebook và Twitter phát triển mạnh mẽ.
Mục 230 bao gồm điều khoản cho phép các nền tảng online như Twitter và Facebook được gỡ bỏ hoặc hạn chế truy cập tới các tài liệu mà họ xác định “một cách công bằng” là mang tính đồi trụy, bạo lực, gây quấy rối hoặc đáng bị lên án. Các giới hạn như vậy đối với các nội dung trên Internet là hợp pháp bởi Tu chính án thứ nhất Hiến pháp Mỹ - trong đó bảo vệ tự do ngôn luận, chỉ áp dụng với các thực thể chính phủ, chứ không phải với các công ty tư nhân.
Giáo sư luật Laurence Tribe của Đại học Harvard và Joshua Geltzer của Đại học Georgetown viết trên tờ Washington Post: “Tu chính án thứ nhất áp dụng với chính phủ chứ không phải các thực thể tư nhân như Twitter. Ông Trump đã hiểu sai về luật, nhưng lần này ông ta còn sai lầm hơn mọi khi. Đã có sự vi phạm Tu chính án thứ nhất trên Twitter, nhưng đó không phải là Twitter, mà chính là Tổng thống Trump gây ra."
Trong khi đó, Liên đoàn các Quyền Tự do Dân sự Mỹ đã gọi sắc lệnh của ông Trump là “mối đe dọa rõ ràng và vi hiến nhằm trừng phạt các công ty mạng xã hội làm trái ý Tổng thống."
[Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh kiểm soát các công ty truyền thông]
Eric Goldman - Giám đốc Viện Luật Công nghệ cao thuộc Đại học Santa Clara, nói rằng sắc lệnh này “liên quan đến chính trị hơn là nhằm thay đổi luật pháp."
Ông Goldman khẳng định: “Sắc lệnh này không thể được ủng hộ về mặt pháp lý - nó mâu thuẫn với hơn 900 phán quyết của tòa án. Nhà Trắng đang tìm cách gạt sang một bên các điều khoản cho phép các công ty Internet có quyền miễn trừ và coi họ là “các nhà xuất bản” hoạt động một phần trong lĩnh vực công cộng.
Sắc lệnh hành pháp viết: “Twitter, Facebook, Instagram và YouTube lợi dụng quyền lực to lớn, nếu không muốn nói là chưa từng có tiền lệ, để định hình quan điểm về các sự kiện công cộng; để kiểm duyệt, xóa bỏ hoặc che giấu các thông tin; và để kiểm soát những gì mọi người thấy và không thấy." Mặc dù sắc lệnh của Tổng thống Trump sẽ không ngăn cản các nền tảng này tiết chế nội dung, nhưng nó có thể khiến họ bị kiện bởi bất kỳ ai cho rằng họ bị tổn hại bởi nội dung được đăng tải trên mạng.
Giới chỉ trích cho rằng hành động này cho thấy một nỗ lực nguy hiểm của chính phủ nhằm kiểm soát phát ngôn trên mạng. Jessica Rosenworcel, thành viên đảng Dân chủ của Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC), một trong các cơ quan có nhiệm vụ thực thi sách lệnh hành pháp, nói: “Các mạng xã hội có thể rất gây phiền phức. Tuy nhiên, một Sắc lệnh Hành pháp có thể biến FCC thành cảnh sát theo dõi các phát ngôn của Tổng thống không phải là câu trả lời cho việc này."
Giới chuyên gia pháp lý cho rằng hiện vẫn chưa rõ liệu FCC có chiểu theo quan điểm của ông Trump về Mục 230 ghi trong sắc lệnh hay không. Ngay cả khi họ làm vậy, thì các quy định của cơ quan này sẽ không có tác động pháp lý mang tính ràng buộc với các thẩm phán, những người thực sự có tiếng nói về luật lệ đó.
Daphne Keller, chuyên gia về luật Internet tại đại học Stanford, cho rằng sắc lệnh này “95% là tuyên bố mang tính chính trị mà không có cơ sở pháp lý cũng như ảnh hưởng pháp lý nào."
Còn Marc Randazza, luật sư của tổ chức First Amendment, nói rằng ông đồng tình với những quan ngại của Trump về vấn đề kiểm duyệt nhưng thừa nhận rằng đa phần sắc lệnh hành pháp này sẽ không dẫn tới các cải cách thực sự. Randazza nói: “Tôi cho rằng đó phần lớn giống như một tuyên bố của nhà lãnh đạo, hay một tuyên bố sứ mệnh, thay vì kế hoạch cho những gì sẽ thực sự diễn ra."
Trong khi đó, Jack Balkin, giáo sư tại Trường Luật Yale, cho rằng Trump đang cố lợi dụng quyền hành của tổng thống để đe dọa các công ty mạng xã hội để các công ty này “không kiểm chứng” tổng thống Mỹ. Giáo sư Balkin nói: “Đó chính là phát đạn cảnh báo."
Tổng thống Trump đã cáo buộc Twitter can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 và tuyên bố rằng “với tư cách tổng thống, tôi sẽ không cho phép điều này xảy ra."
Quản lý chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump, Brad Parscale, cho biết thành kiến chính trị rõ ràng của Twitter đã khiến chiến dịch của họ phải rút bỏ mọi quảng cáo trên Twitter từ nhiều tháng trước. Trên thực tế, Twitter đã cấm mọi hoạt động quảng cáo chính trị từ tháng 11/2019.
Tối 27/5, Giám đốc điều hành Twitter Jack Dorsey viết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ ra những thông tin sai lệch hoặc gây tranh cãi về các cuộc bầu cử trên toàn cầu."
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg phát biểu với Fox News rằng nền tảng của ông có chính sách khác với Twitter về vấn đề này. Ông nói: “Tôi tin rằng Facebook không nên là trọng tài phân xử về tính chính xác của tất cả những thứ mọi người viết trên mạng”./.