Ngày 5/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điện đàm với Tổng thống Palestine Mahoud Abbas, thông báo ý định của Washington về di chuyển Đại sứ quán Mỹ ở Israel từ Tel Aviv về Jerusalem.
Văn phòng Tổng thống Abbas cho biết nhà lãnh đạo Palestine đã cảnh báo Tổng thống Mỹ về những tác động nguy hiểm của bước đi này đối với các nỗ lực hòa bình tại Trung Đông, an ninh và ổn định của khu vực và trên thế giới.
Thông báo không đề cập đến thời gian biểu của kế hoạch di chuyển này.
Giới chức Mỹ cho biết nhiều khả năng ông Trump sẽ công bố chính thức quan điểm của Mỹ trong bài phát biểu vào trưa 6/12 (giờ Mỹ) nhiều điểm cụ thể vẫn đang được Nhà Trắng thảo luận.
Nhiều khả năng ông Trump sẽ đề cập đến quy chế Jerusalem là "thủ đô của Israel."
Theo các nguồn tin tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ cũng dự kiến trì hoãn việc di chuyển Đại sứ quán từ Tel Aviv tới Jerusalem thêm 6 tháng theo quy định của pháp luật.
[Con rể ông Trump bóng gió việc công nhận thủ đô Jerusalem của Israel]
Nhưng nhiều khả năng ông Trump muốn trao cho Đại sứ Mỹ tại Israel David Friedman quyền chủ động đưa ra quyết định về thời điểm thực thi thích hợp.
Tiến trình thảo luận nội bộ vẫn đang diễn ra và dưới sức ép của phái đòi công nhận tuyệt đối Jerusalem là thủ đô của Israel, trong bài phát biểu của mình ông Trump có thể sẽ cài thêm một số quan điểm giúp xoa dịu tính chất của tuyên bố.
Đó có thể là việc Mỹ đồng ý đối với khát vọng của người Palestine có một thủ đô nhà nước ở đông Jerusalem, hoặc là Mỹ sẽ ủng hộ, chấp thuận giải pháp hai nhà nước.
Thế giới Arab và Hồi giáo phản đối thay đổi chính sách của Mỹ đối với Jerusalem.
Tổng Thư ký Liên đoàn A rập (AL) Ahmed Aboul Gheit hối thúc Mỹ xem xét lại quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, vì đây là bước đi nguy hiểm, gây ra những tác động mạnh tại khu vực.
Phát biểu trước các nghị sỹ Quốc hội, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhìn nhận bước công nhận của Mỹ sẽ là “giới hạn đỏ” và Thổ Nhĩ Kì sẽ có phản ứng quyết liệt, kể cả ở mức cao nhất là cắt quan hệ ngoại giao với Israel.
Majdi Khaldi, cố vấn đối ngoại của Tổng thống Abbas, tuyên bố việc làm trên của chính quyền Trump sẽ chấm dứt vai trò hòa giải của Mỹ trong xung đột Israel-Palestine.
Ngay cả Saudi Arabia, đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại khu vực, cũng lên tiếng phản đối, xem đây là bước đi nguy hiểm, gây quan ngại sâu sắc.
Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cho biết nước này ủng hộ quyền của người Palestine trong vấn đề liên quan đến Jerusalem và đây là điều “không thể thay đổi”./.