Các quốc gia Hồi giáo trong khu vực cũng như lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 5/12 đã đồng đoạt lên tiếng cảnh báo về những bất ổn trong khu vực liên quan đến việc Mỹ dự định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Phát biểu trong cuộc họp bất thường của Liên đoàn Arab (AL) tại Cairo, Ai Cập, Tổng thư ký AL Ahmed Abul Gheit kêu gọi Mỹ cân nhắc lại, đồng thời nhấn mạnh nếu Washington thật sự quyết định chuyển đại sứ quán đến Jerusalem, sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực không chỉ ở Palestine mà thậm chí toàn bộ khu vực Arab và thế giới Hồi giáo.
Trong khi đó, giới chức Palestine cảnh báo động thái này sẽ chấm dứt mọi nỗ lực mang lại hòa bình cho khu vực Trung Đông của Tổng thống Trump và triệt tiêu mọi cơ hội để đóng vai trò người hòa giải của nhà lãnh đạo này.
Cùng chung quan điểm trên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhấn mạnh quy chế về Jerusalem là "giới hạn đỏ" đối với thế giới Hồi giáo, đồng thời cảnh báo sẽ kêu gọi hội nghị cấp cao Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) để phản đối, thậm chí có thể cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel.
Tái khẳng định chính sách ủng hộ người Palestine, Saudi Arabia, đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực, cũng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về dự định của chính quyền Washington, nhấn mạnh động thái này sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng và sẽ làm phức tạp thêm sự xung đột giữa Palestine và Israel, đồng thời đẩy các nỗ lực hòa bình hiện nay vào bế tắc.
[Palestine cảnh báo về các quyết định của Mỹ đối với Jerusalem]
Trước đó, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini cũng cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng tại một khu vực rất lớn của thế giới. Nhấn mạnh cần duy trì tập trung đối với các nỗ lực tái khởi động tiến trình hòa bình và tránh bất kỳ động thái hủy hoại những nỗ lực này, EU tuyên bố sẽ tiếp tục liên hệ với các bên, cũng như các đối tác khu vực và quốc tế để hỗ trợ sự tái khởi động tiến trình hòa bình Trung Đông.
Ngày 4/12, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã trực tiếp bày tỏ quan ngại về vấn đề này nhấn mạnh mọi quyết định về vấn đề này phải được đưa ra trong khuôn khổ các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine.
Quy chế của Jerusalem là vấn đề hết sức nhạy cảm và là trung tâm của cuộc xung đột Israel-Palestine, thậm chí của toàn thế giới Hồi giáo. Israel tuyên bố cả thành phố này là thủ đô không thể chia cắt của mình, trong khi người Palestine muốn khu vực Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước tương lai của họ.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, Tổng thống Donald Trump đã cam kết chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem - một mục tiêu dài hạn của các chính trị gia đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế gần đây, tháng Sáu vừa qua, Tổng thống Trump đã tạm gác kế hoạch này nhằm tránh gây thêm căng thẳng ở Trung Đông.
Ngày 4/12, Nhà Trắng thông báo hoãn việc công bố quyết định về vấn đề Jerusalem đến sau hạn chót 4/12 công bố trước đó. Truyền thông tại Mỹ trước đó đưa tin Tổng thống Trump có thể công bố quyết định này vào ngày 6/12 tới./.