Văn phòng của Tổng thư ký Liên hợp quốc ngày 11/12 thông báo Tổng thư ký Antonio Guterres sẽ tham dự phiên bế mạc cuộc đàm phán giữa chính phủ Yemen và nhóm vũ trang Houthi tại Thụy Điển trong tuần này trong bối cảnh hai bên vẫn đang nỗ lực thu hẹp các bất đồng nhằm kiềm chế bạo lực tại 2 điểm nóng xung đột.
Theo thông báo, ông Guterres sẽ tham dự ngày cuối của cuộc đàm phán vào ngày 13/12 tới.
Ông sẽ có các cuộc gặp với hai phái đoàn đàm phán và có bài phát biểu tại phiên bế mạc vòng tham vấn lần này.
Vòng đàm phán đang diễn ra tại Thụy Điển đánh dấu lần đầu tiên chính phủ Yemen và nhóm Houthi gặp nhau kể từ khi cuộc đàm phán năm 2016 nhằm kết thúc cuộc xung đột tại Yemen đổ vỡ.
[Yemen: Các phe đều sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán tiếp theo]
Theo Liên hợp quốc, vòng đàm phán lần này không nhằm mục tiêu tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột tại Yemen mà tập trung vào một số vấn đề chính như việc lập các hành lang nhân đạo, trao đổi tù nhân, mở cửa trở lại sân bay quốc tế tại thủ đô Sanaa và số phận của thành phố Hodeidah.
Liên hợp quốc xác nhận một dự thảo khung chính trị toàn diện đã được gửi cho 2 bên. Dự kiến, vòng đàm phán mới sẽ diễn ra vào đầu năm tới.
Gần 4 năm sau cuộc xung đột làm 14 triệu người dân Yemen rơi vào cảnh đói khổ, chính phủ Yemen do Saudi Arabia ủng hộ và nhóm vũ trang Houthi được Iran hậu thuẫn đã chấp thuận ngồi vào bàn đàm phán ở thị trấn Rimbo của Thụy Điển.
Các nhà trung gian hòa giải muốn giảm bớt leo thang căng thẳng tại 2 thành phố Hodeida do nhóm Houthi kiểm soát để thực hiện hoạt động nhân đạo và thành phố Taiz lớn thứ 3 của Yemen, nơi đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt trong những năm qua.
Hiện hai phái đối địch vẫn chưa nhất trí với đề xuất của Liên hợp quốc liên đến Hodeida và Taiz. Mặc dù vậy, chính phủ Yemen và phong trào Houthi đã trao cho nhau danh sách gồm 15.000 tù nhân để tiến hành một cuộc trao đổi tù nhân đã được nhất trí như một biện pháp xây dựng lòng tin.
Cả hai bên sẽ có 2 tuần để điều chỉnh danh sách trao đổi tù binh.
Trước đó, các bên xung đột ở Yemen đã tiến hành một số vòng đàm phán song đều đổ vỡ, dẫn tới tình trạng bạo lực nghiêm trọng hơn. Liên hợp quốc ước tính hơn 10.000 người đã thiệt mạng tại Yemen kể từ năm 2015 khi Saudi Arabia và các đồng minh can thiệp quân sự.
Cuộc xung đột cũng đẩy Yemen vào cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới với gần 14 triệu người đứng trước nguy cơ thiếu đói./.