Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 8/2 hoan nghênh quyết định cùng ngày của Mỹ về việc sẽ quay trở lại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc sau ba năm rời bỏ tổ chức này.
Trong thông cáo được người phát ngôn của Liên hợp quốc đưa ra, Tổng Thư ký Guterres hoan nghênh thông tin trên, cho rằng Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc là diễn đàn hàng đầu thế giới có thể giải quyết các thách thức về nhân quyền một cách phổ rộng nhất.
Hơn nữa, các cơ chế và quy trình đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền chính là các công cụ sống còn giúp đảm bảo thực thi các hành động và trách nhiệm giải trình vì quyền con người.
Người phát ngôn của Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric cho biết Liên hợp quốc rất trông đợi Mỹ sẽ có tiếng nói quan trọng đối với những vụ việc mang tính khẩn cấp ở tại Hội đồng Nhân quyền.
Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva cùng ngày 8/2, đại biện lâm thời của Mỹ, ông Mark Cassayre khẳng định chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt niềm tin vào chính sách đối ngoại lấy dân chủ, nhân quyền và bình đẳng làm trung tâm và việc sử dụng hiệu quả các công cụ đa phương là một yếu tố để đạt được tầm nhìn đó.
[75 năm Liên hợp quốc: Hóa giải thách thức bằng tinh thần đa phương]
Ông Cassayre cho biết trước mắt Mỹ sẽ tham gia trở lại trong vai trò quan sát viên và như vậy, Chính phủ Mỹ có cơ hội phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền, tham gia vào các cuộc đàm phán cũng như liên kết với các đối tác để đưa ra các nghị quyết.
Ông Cassayre nhấn mạnh phía Mỹ có nhận thấy những vấn đề tồn tại ở Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhưng đồng thời cũng nhận thấy đây là một diễn đàn quan trọng có tiềm năng đấu tranh chống bạo quyền và bất công trên thế giới.
Ông cũng cho rằng để giải quyết được những tồn tại hiện có của Hội đồng Nhân quyền và đảm bảo cơ quan này thực thi hiệu quả trách nhiệm của mình thì Mỹ cần tham gia và thể hiện vai trò quan trọng tại đây./.