Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi Ấn Độ và Pakistan kiềm chế

Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giám sát lệnh ngừng bắn giữa Ấn Độ và Pakistan ở bang Jammu và Kashmir đã ghi nhận và báo cáo sự gia tăng các hoạt động quân sự dọc Ranh giới Kiểm soát.
Người dân trên đường phố tại Jammu, ngày 5/8. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người dân trên đường phố tại Jammu, ngày 5/8. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 5/8 đã kêu gọi Ấn Độ và Pakistan kiềm chế trước những diễn biến căng thẳng sau khi New Delhi bãi bỏ quy chế đặc biệt đối với khu vực Kashmir thuộc kiểm soát của nước này.

Phát biểu với báo giáo, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric cũng cho biết lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giám sát lệnh ngừng bắn giữa Ấn Độ và Pakistan ở bang Jammu và Kashmir đã ghi nhận và báo cáo sự gia tăng các hoạt động quân sự dọc Ranh giới Kiểm soát (LOC).

Báo Hindustan Times đưa tin ngày 5/8 Ấn Độ đã triển khai thêm ít nhất 8.000 binh sỹ bán vũ trang từ nhiều địa phương trên cả nước đến thung lũng Kashmir, nâng số binh sỹ bán vũ trang đồn trú tại đây lên hơn 43.000 người, đồng thời đặt các lực lượng Lục quân và Không quân trong tình trạng báo động cáo.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh chính phủ do đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) lãnh đạo ngày 5/8 đã công bố sắc lệnh bãi bỏ điều khoản Hiến pháp quy định quy chế đặc biệt đối với bang Jammu và Kashmir, đồng thời đưa ra đạo luật tách bang này thành 2 vùng lãnh thổ liên bang gồm Ladakh cùng Jammu và Kashmir.

Đây được xem là quyết định chính trị có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với khu vực Kashmir tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan trong gần 7 thập kỷ qua. Khu vực Kashmir hiện chia thành hai phần do Ấn Độ và Pakistan quản lý, song hai nước đều nhận chủ quyền đối với toàn bộ vùng lãnh thổ này.

[Ấn Độ tách bang Jammu và Kashmir thành hai vùng lãnh thổ liên bang]

Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2003 về tuân thủ lệnh ngừng bắn, giao tranh vẫn xảy ra giữa binh sĩ hai bên tại ranh giới phân chia khu vực Kashmir giữa hai nước. Căng thẳng gia tăng gần đây khi hai bên cáo buộc lẫn nhau tấn công qua ranh giới này.

Bộ Ngoại giao Pakistan đã ra tuyên bố phản đối quyết định nói trên của Ấn Độ, nhấn mạnh rằng chiểu theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các bên không được thay đổi quy chế của Kashmir. Tuyên bố nêu rõ Pakistan sẽ thực hiện tất cả những phương án có thể để ngăn chặn việc này.

Thủ tướng Pakistan Imran Khan ngày 5/8 đã có các cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad về vấn đề Kashmir.

Trong các cuộc điện đàm, nhà lãnh đạo Pakistan cho rằng quyết định của Ấn Độ bãi bỏ quy chế đặc biệt của khu vực Kashmir vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh khu vực.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã khẳng định sự ủng hộ của Ankara đối với Islamabad, trong khi Thủ tướng Malaysia cho biết Kuala Lumpur sẽ giữ liên lạc và tiếp tục theo dõi tình hình.

Cùng ngày 5/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus đã ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về tình hình Kashmir và kêu gọi các bên liên quan tôn trọng thực trạng cũng như duy trì hòa bình ở khu vực này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.