Tổng tuyển cử Myanmar 2020: Phép thử cho một nền dân chủ non trẻ

Tổng tuyển cử Myanmar 2020: Phép thử cho một nền dân chủ non trẻ

Cuộc bầu cử Myanamar vào ngày 8/11 tới đánh dấu cột mốc quan trọng - cuộc tổng tuyển cứ thứ ba trong vòng hơn 60 năm và là một phép thử quan trọng cho nền dân chủ còn non nớt.
Tổng tuyển cử Myanmar 2020: Phép thử cho một nền dân chủ non trẻ ảnh 1Cố vấn nhà nước Myanmar, bà Aung San Suu Kyi. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, Myanmar sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử tiếp theo vào ngày 8/11 tới. Cuộc bầu cử này là một cột mốc quan trọng: là cuộc tổng tuyển cứ thứ ba trong vòng hơn 60 năm và là một phép thử quan trọng cho nền dân chủ còn non nớt.

Bối cảnh bầu cử cho thấy sự cạnh tranh gia tăng có thể tạo ra những động lực thúc đẩy các chiến thuật đàn áp dân sự và huy động cử tri dựa trên nền tảng bản sắc dân tộc. Cộng đồng quốc tế nên giám sát việc sử dụng những chiến thuật này, đồng thời nỗ lực để mở ra không gian dân sự và thể chế hóa sự bình đẳng tại Myanmar.

Sự bất mãn đối với NLD

Khi đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) lên cầm quyền sau một chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm 2015, những hy vọng đã dâng cao xung quanh việc Myanmar sẽ thoát ra khỏi nhiều thập kỷ cô lập để trở thành một hình mẫu dân chủ tại Đông Nam Á. Aung San Suu Kyi, chủ nhân giải Nobel Hòa bình và là một biểu tượng của dân chủ, đã đảm nhiệm vai trò đứng đầu nhà nước, vốn là nền tảng duy trì những khát vọng này.

Tuy nhiên, bà Suu Kyi và NLD lại không chứng tỏ được khả năng xử lý những thách thức lớn, trong đó có các cuộc xung đột dân sự đang xảy ra tại các bang ở biên giới, sự cải cách hiến pháp nhằm hạn chế quyền lực của quân đội, và cải cách chính sách kinh tế nhằm giải quyết sự nghèo đói và bất bình đẳng.

Kết quả của những thất bại này là nhiều nhà quan sát đã bày tỏ tin tưởng rằng NLD sẽ mất nhiều ghế, cả ở cấp quốc gia và cấp địa phương, vào tay các đảng dân tộc thiểu số, các đảng ủng hộ dân chủ mới chia tách, hoặc Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP).

Mặc dù vậy, vẫn có 2 lý do để cho rằng sự thống trị của NLD dường như chắc chắn sẽ tiếp tục:

Thứ nhất, đảng này vẫn duy trì được sự ủng hộ to lớn từ đa số các dân tộc ở Myanmar (68% dân số toàn quốc) và nhờ sự ngưỡng mộ dành cho cá nhân bà Suu Kyi.

Thứ hai, Myanmar có một hệ thống bầu cử đầu phiếu đa số tương đối có lợi cho NLD. Tuy nhiên, để duy trì thế đa số trong quốc hội, NLD phải giành được 2/3 số ghế cạnh trạnh ở cả hai viện, trong khi 1/4 số ghế đã được dành cho quân đội Myanmar (Tatmadaw).

[Bà Aung San Suu Kyi xác nhận kế hoạch tranh cử vào Quốc hội Myanmar]

Những viễn cảnh của một cuộc bầu cử khắc nghiệt sẽ chứng kiến cách hành xử mang tính phòng vệ và phi dân chủ của NLD trên khắp các không gian chính trị.

Bạo lực sắc tộc trong các giai đoạn bầu cử: Trường hợp của Rakhine

Bản sắc dân tộc là trọng tâm của sức hút đối với các chính sách bầu cử tại Myanmar, bởi hơn 135 nhóm sắc tộc sẽ tranh giành nhau vị trí đại diện. Quân đội Myanmar, các đảng chính trị, và các nhân tố phi nhà nước khác lâu nay luôn huy động bản sắc dân tộc và sử dụng các chiến thuật bạo lực để đạt được các mục đích bầu cử riêng.

Những chiến thuật này được tận dụng một cách trơ trẽn tại bang Rakhin. Đây là quê hương của các tín đồ Phật giáo người Rakhin và tín đồ Hồi giáo Rohingya. Cả hai đều là các dân tộc thiểu số, nhưng những người Rakhin theo đạo Phật chiếm đa số ở Rakhine.

Sự cạnh tranh sắc tộc mạnh mẽ, chủ trương bài ngoại và bạo lực từng là vấn đề đặc trưng tồn tại trong nhiều thập kỷ, và chính phủ Myanmar đang phải trải qua một cuộc điều tra của Tòa Công lý Quốc tế vì tội đồng lõa với quân đội trong hoạt động đàn áp tàn bạo người Hồi giáo Rohingya.

Những người Rohingya, vốn bị chính phủ từ chối tư cách công dân vào năm 1982, không được quyền bỏ phiếu trừ khi chính phủ đưa ra sự cấp phép đặc biệt. Mô hình này tạo ra những cơ hội để Nhà nước sử dụng các quyền bầu cử vừa như một động cơ khuyến khích, vừa như một lời đe dọa để huy động bản sắc dân tộc và đảm báo các hình mẫu bỏ phiếu đặc biệt trong các cộng đồng ở Rakhine.

Các đảng sắc tộc nhỏ cũng áp dụng các chiến thuật bạo lực này. Chẳng hạn, trước cuộc bầu cử bổ sung năm 2012, Đảng Dân tộc Arakan (ANP), một liên minh quốc gia dân tộc Rakhine, dường như đã được hưởng lợi trực tiếp từ tình trạng bạo lực sắc tộc trong các cộng đồng Hồi giáo vốn không ủng hộ họ.

Tại Rakhine, USDP cũng có một mối quan hệ rất thân thiết với nhóm Phật giáo có chủ trương dân tộc cực đoan Buddha Dhamma Parahita Foundation (thường được gọi là Ma Ba Tha), một nhóm luôn xúi giục bạo lực, tuyên truyền các bài phát biểu thù địch, và ủng hộ các đạo luật khó hiểu hư là Luật Bảo vệ Chủng tộc và Tôn giáo.

Các động cơ bầu cử đã thôi thúc giới tinh hoa cầm quyền và các nhóm trong nền chính trị thúc đẩy sự thù địch sắc tộc. Mặc dù Rakhin có thể là một ví dụ sinh động nhất của hiện tượng này, song hình mẫu đó có lẽ đang lan rộng khắp đất nước Myanmar.

Không thể bảo vệ không gian dân sự

Ngoài viêc khai thác bản sắc dân tộc, sự đàn áp không gian dân sự cũng là một chiến thuật khác được sử dụng để ngăn ngừa các nhóm thiểu số lên nắm quyền lực.

Chẳng hạn, chính phủ đang tiếp tục nhắm vào các nhà báo phê bình Tatmadaw và Nhà nước bằng các đạo luật hà khắc như là Luật Bí mật Quốc gia, Luật Chống khủng bố và các điều khoản của Luật Viễn thông 2013. Giới chức cũng đã đáp trả bằng bạo lực thái quá để đàn áp các cuộc biểu tình hòa bình, vi phạm các quyền tụ tập cơ bản.

Các tổ chức và các nhà vận động xã họi ủng hộ các cộng đồng thiểu số đang phải đối mặt với sự quấy rối nghiêm trọng từ nhà nước, trong đó có các vụ tấn công văn phòng, bắt giữ, và giám sát.

Điều này cho thấy việc đóng cửa không gian dân sự là một chiến thuật rõ ràng nhằm cản trở các cộng đồng này lên nắm quyền. Không hề trùng hợp khi bang Rakhin cũng là khu vực mà internet bị gián đoạn lâu nhất trên thế giới: ngày 21/6/2019, các tổng đài diện thoại di động đã ngắt dữ liệu internet tại tám thị trấn tại bang Rakhine (và một tại bang Chin); và sự gián đoạn này cho đến nay đã kéo dài hơn 1 năm.

Những cải cách cần thiết

Trong bối cảnh như thế này, các nỗ lực cải cách trong giai đoạn chuẩn bị bầu cử ít nhất là nên hướng tới đảm bảo được một cuộc bầu cử tự do và công bằng vào tháng 11 tới.

Mặc dù đây vốn đã là một thách thức lớn trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19), các chính phủ nước ngoài và tổ chức phi chính phủ quốc tế cũng phải ưu tiên việc thể chế hóa sự bình đẳng và mở ra không gian dân sự tại Myanmar.

Trước hết, cộng đồng quốc tế nên khuyến khích một tiêu chuẩn tôn trọng lẫn nhau (tôn trọng tính hợp pháp chính trị của phe đối lập). Nếu không có tiêu chuẩn này, tính đại diện của cộng đồng thiểu số luôn bị coi là một mối đe dọa, và bầu không khí chia rẽ chính trị sẽ tiếp diễn. 

Thêm vào đó, các tổ chức phi chính phủ quốc tế nên khuyến khích các nhóm xã hội dân sự xây dựng các liên minh đa sắc tộc, đưa các vấn đề chống phân biệt chủng tộc và chống phân biệt đối xử trở thành trọng tâm của các cuộc tranh luận của họ. 

Cuối cùng, tạo ra một không gian xã hội dân sự sôi nổi hơn có thể cũng đòi hỏi sự cải cách lập pháp, bao gồm việc hủy bỏ Luật Quyền và Nghĩa vụ Công dân 1982 và Luật Bảo vệ Chủng tộc và Tôn giáo và cải cách Luật Bí mật Quốc gia, Luật chống Khủng bố, và các luật khác dùng để cản trở khả năng hoạt động của không gian dân sự. Chính có như vậy thì nền dân chủ mong manh của Myanmar mới có thể được bảo vệ vào tháng 11 tới và cả sau đó nữa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục