Từ đầu năm đến hết phiên sáng 30/12, trong 10 mã cổ phiếu tăng mạnh nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam thì có 5 mã cổ phiếu ghi nhận mức tăng trên 1.000%, có mã thậm chí là tăng tới hơn 2.000%.
Tăng mạnh nhất là mã ATA của Công ty cổ phần Ntaco với mức tăng 2.050%. Cụ thể, đầu năm 2021, ATA chỉ có giá 200 đồng/cổ phiếu, thì đến nay đang giao dịch ở mức giá 4.300 đồng/cổ phiếu. Trước đó, ATA chốt phiên 1/11 còn có giá 5.400 đồng/cổ phiếu.
Tuy là quán quân tăng giá trên sàn chứng khoán, nhưng ATA nhiều phiên không có giao dịch, hoặc khối lượng giao dịch thấp. Hiện nay, ATA đang giao dịch trên sàn UPCOM, vốn hóa hóa của doanh nghiệp đạt hơn 50 tỷ đồng,
Cổ phiếu TGG của Công ty cổ phần Louis Capital là cổ phiếu thuộc "họ Louis" giao dịch trên sàn HOSE. Đầu năm 2021, TGG chỉ ở mức 1.200 đồng/cổ phiếu, thì cuối phiên sáng 30/12 ở mức 20.400 đồng/cổ phiếu, tăng tới 1.600%. Trước đó, thậm chí TGG còn đạt mức đỉnh 74.800 đồng/cổ phiếu tại ngày 22/9.
Hiện, Công ty cổ phần Louis Holdings đang sở hữu một số công ty niêm yết trên sàn như Công ty cổ phần Louis Land (mã chứng khoán BII, sàn HNX), Công ty cổ phần Louis Capital (mã chứng khoán TGG, sàn HOSE), Công ty cổ phần Xuất Nhập khẩu An Giang (mã chứng khoán AGM, sàn HOSE), Công ty cổ phần Cáp nhựa Vĩnh Khánh (mã chứng khoán: VKC, sàn HNX), CTCP Sametel (mã chứng khoán SMT, sàn HNX).
Thực tế, TGG và các cổ phiếu liên quan tới Louis Holdings như SMT, BII, AGM, VKC đã có chuỗi tăng trần liên tiếp trong tháng 8 và tháng 9 đặt ra nhiều dấu hỏi lớn cho giới đầu tư.
Vào đầu tháng 10, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cử đoàn thanh tra tới làm việc với Công ty cổ phần Louis Holdings về những bất thường liên quan tới diễn biến cổ phiếu.
Được thành lập từ năm 2012 và đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển. Hiện nay, Công ty cổ phần Louis Capital định hướng phát triển trở thành công ty đầu tư đa ngành, trên các lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, mua bán nợ, thủy sản, nông sản, trồng trọt và chăn nuôi. Hiện, vốn hóa của doanh nghiệp đạt gần 516 tỷ đồng.
Tiếp đến là cổ phiếu PTO của Công ty cổ phần Dịch vụ-Xây dựng Công trình Bưu điện hiện đang giao dịch trên sàn UpCOM. Đầu năm 2021, PTO chỉ có giá 1.600 đồng/cổ phiếu, nhưng cuối phiên sáng 30/12 đã có giá 20.200 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng tới 1.162,5%.
Công ty cổ phần Dịch vụ-Xây dựng Công trình Bưu điện là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản; xây dựng công nghiệp nặng và dân dụng; xây dựng công nghiệp nặng và dân dụng khác. Vốn hóa thị trường hiện tại của doanh nghiệp chỉ hơn 21 tỷ đồng.
Cổ phiếu RGC của Công ty cổ phần Đầu tư PV-Inconess cũng được giao dịch trên UPCOM. RGC đã tăng từ mức giá 3.200 đồng/cổ phiếu (chốt phiên đầu năm 4/1) lên 40.100 đồng/cổ phiếu (cuối phiên sáng 30/12), tương ứng tăng 1.153%.
Công ty cổ phần Đầu tư PV-Inconess hoạt động trong nhiều lĩnh vực đầu tư, thương mại nhưng hoạt động chính là đầu tư và kinh doanh sân golf. Vốn hóa thị trường của doanh nghiệp hiện đạt hơn 3.689,7 tỷ đồng.
[Công bố 10 sự kiện chứng khoán nổi bật trong năm 2021]
Cổ phiếu NOS của Công ty cổ phần Vận tải biển và Thương mại Phương Đông đến cuối phiên sáng 30/12 có giá 2.400 đồng/cổ phiếu, trong khi hồi đầu năm chỉ là 200 đồng/cổ phiếu. Như vậy NOS đã tăng tới 1.100%.
Ngành nghề kinh doanh của Công ty cổ phần Vận tải biển và Thương mại Phương Đông là vận tải hàng hóa, xăng dầu, container bằng đường biển, đường sông, đường bộ; vận tải hành khách... Vốn hóa thị trường hiện tại của doanh nghiệp đạt hơn 48,1 tỷ đồng.
Cổ phiếu LIC của Tổng Công ty Licogi cũng tăng từ mức 5.700 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm lên mức 62.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng gần 995%. Trước đó, chốt phiên giao dịch 30/11, LIC còn đạt tới mức giá đỉnh 146.700 đồng/cổ phiếu.
Tổng Công ty Licogi hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản, xây dựng nhà cửa, cao ốc, xây dựng nhà ở, khu dân cư, cao ốc.
Doanh nghiệp có cơ cấu cổ đông khá cô đặc khi Bộ Xây dựng nắm giữ 40,7% vốn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Khu Đông và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Gia Cường sở hữu lần lượt 35% và 19,2%. Chỉ còn lại khoảng 4,6 triệu cổ phiếu LIC, tương đương 5,1% vốn điều lệ của Licogi là do các cổ đông nhỏ nắm giữ. Tại thời điểm 30/12, vốn hóa của LIC đạt 5.670 tỷ đồng.
TNT của Công ty cổ phần Tập đoàn TNT cũng được niêm yết trên HOSE và tăng gần 953%. Công ty cổ phần Tập đoàn TNT hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng, khai khoáng (ngoại trừ dầu mỏ và khí đốt), Khai thác quặng kim loại. Hiện vốn hóa thị trường của TNT đạt 956,25 tỷ đồng.
LCM của Công ty cổ phần Khai thác và Chế biến khoáng sản Lào Cai niêm yết trên HOSE tăng từ mức 1.000 đồng/cổ phiếu (phiên giao dịch đầu năm 4/1) lên 10.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng 950%.
Công ty cổ phần Khai thác và Chế biến khoáng sản Lào Cai tiền thân là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gia Long được thành lập từ năm 2002, sau đó được đổi tên thành Công ty cổ phần Khai thác và Chế biến khoáng sản Lào Cai.
Các sản phẩm truyền thống của công ty bao gồm tinh quặng chì kẽm Pb, Zn> 55%; Vàng thương phẩm 99,9%; tinh quặng sắt kích cỡ từ 0,1mm đến 1mm; đá xây dựng các loại; phân bón và hóa chất (soda, kẽm sunfat, đồng sunfat). Hiện nay, vốn hóa của doanh nghiệp đạt hơn 258,6 tỷ đồng.
CMS của Công ty cổ phần Xây dựng và Nhân lực Việt Nam hiện giao dịch trên HNX tăng 933%. Khởi nguồn từ hoạt động cung ứng nhân lực cho tổ hợp Nhà thầu Kumagai- Kajima tại Việt Nam.
Đến nay Công ty cổ phần Xây dựng và Nhân lực Việt Nam đã đảm nhiệm tốt các vai trò: nhà thầu xây dựng công trình hạ tầng trong nước; nhà thầu xây dựng các công trình quốc tế; nhà thầu nhân công cho các dự án quốc tế; hoạt động kinh doanh thương mại. Hiện, vốn hóa thị trường của doanh nghiệp đạt 567,6 tỷ đồng.
Cổ phiếu KHB của Công ty Cổ phần Khoáng sản Hòa Bình cũng giao dịch trên UPCOM và tăng gần 889% kể từ đầu năm. Công ty cổ phần Khoáng sản Hòa Bình là đơn vị sản xuất, buôn bán, lắp đặt các loại trang thiết bị và sản phẩm khoáng sản chất lượng cao nhiều chủng loại. Vốn hóa của doanh nghiệp hiện nay đạt hơn 264,5 tỷ đồng./.