Tốt nghiệp THPT: Hà Nội bám sát quá trình coi thi, bảo đảm an toàn

Chuẩn bị tổ chức kỳ thi, Sở Giáo dục và Đào tạo lập 181 điểm thi chính thức, 60 điểm thi dự phòng với gần 4.600 phòng thi. Đến ngày 4/7, các điểm thi cam kết chuẩn bị đầy đủ các điều kiện....
(Ảnh minh họa: Minh Sơn/Vietnam+)

Ngày 4/7, khoảng 600 lãnh đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo, trường Trung học Phổ thông, Trưởng và Phó các điểm thi đã dự Hội nghị hướng dẫn công tác coi thi Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2022 do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức tại Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Nội-Amsterdam.

Xác định vai trò quan trọng của kỳ thi không chỉ dùng kết quả để xét công nhận tốt nghiệp Trung học Phổ thông mà còn được dùng để xét tuyển đại học, cao đẳng, trong khi số lượng thí sinh dự thi đông, ngành Giáo dục Hà Nội đặc biệt chú trọng khâu coi thi. Do đó, nội dung chính của hội nghị nhằm quán triệt tới các thành viên tại từng điểm thi về quy chế, nâng cao tinh thần trách nhiệm, giám sát chặt chẽ khâu coi thi và dự liệu các tình huống để chủ động ứng phó.

Diễn ra trong hai ngày 7 và 8/7, Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2022 của thành phố Hà Nội có gần 98.000 thí sinh đăng ký dự thi. Chuẩn bị tổ chức kỳ thi, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thành lập 181 điểm thi chính thức, 60 điểm thi dự phòng với gần 4.600 phòng thi. Tính đến ngày 4/7, các điểm thi cam kết chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, phương án đảm bảo an ninh, an toàn.

Theo ông Nghiêm Văn Bình, Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, một trong những điều kiện quan trọng của khâu coi thi là trách nhiệm của Trưởng điểm thi và Phó trưởng điểm thi phụ trách cơ sở vật chất trong việc chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất, rà soát kỹ từng hạng mục... Trong đó, Trưởng điểm thi phải rà soát, kiểm tra toàn bộ các điều kiện cơ sở vật chất và các phương án bảo đảm an toàn.

Cần lưu ý kiểm tra tình trạng hoạt động của camera lắp đặt trong phòng bảo quản đề thi, bài thi, khóa và niêm phong các phòng không phục vụ công tác coi thi; niêm phong các thiết bị sao in, hệ thống thông tin liên lạc và phòng máy tính có kết nối Internet không phục vụ thi...

Ông Nghiêm Văn Bình cũng lưu ý về một số điểm khác so với Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua. Đó là, tại mỗi điểm thi phải có 2 phòng chờ dành cho thí sinh không dự thi đủ các môn trong bài thi tổ hợp. Trong đó phòng chờ 1 (phòng chờ vào thi) dành cho các thí sinh chờ vào thi môn thành phần của tổ hợp mà không phải bài thi đầu tiên. Phòng chờ 2 (phòng chờ thi xong) dành cho các thí sinh chờ đến hết giờ làm bài của môn thi cuối trong tổ hợp để ra về.

[Chuẩn bị sẵn sàng tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông]

Trong kỳ thi này, chỉ có môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Với đặc thù đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lưu ý các trưởng điểm thi khi nhận văn phòng phẩm, hồ sơ phục vụ điểm thi phải kiểm tra tình trạng niêm phong, bảo đảm số lượng, bì đề, môn thi theo danh sách thống kê, khẳng định đủ, đúng số lượng mới được ký tiếp nhận, đặc biệt là ở môn Ngoại ngữ vì có nhiều Ngoại ngữ khác nhau.

Tại hội nghị, lãnh đạo các điểm thi đã nghe đại diện Công an thành phố Hà Nội phổ biến cách nhận biết một số thiết bị công nghệ cao thường được sử dụng để gian lận và cách thức ngụy trang của các loại thiết bị này để chủ động phát hiện kịp thời.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trưởng điểm thi lưu ý quán triệt tới tất cả thành viên làm nhiệm vụ, đặc biệt là cán bộ coi thi phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên nhắc nhở thí sinh trước mỗi buổi thi và bao quát các biểu hiện của thí sinh trong suốt quá trình làm bài thi...

Đồng thời, duy trì và phát huy phương án đã được áp dụng trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 để bố trí nơi bảo quản các vật dụng, tài liệu của thí sinh cách phòng thi tối thiểu 25m theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để ngăn ngừa tối đa nguy cơ gian lận bằng thiết bị công nghệ cao.

Theo Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Đoàn Thị Kiều Oanh, Sở đã huy động hơn 600 thanh tra “cắm chốt” tại các điểm thi. Ngoài ra còn có tổ giám sát các hoạt động của đoàn thanh tra và giám sát việc thực hiện quy chế thi của các thành viên tại các điểm thi. Trong các ngày thi, đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo gồm hơn 600 người là cán bộ, giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học cũng sẽ làm nhiệm vụ tại các điểm thi ở Hà Nội.

Nhấn mạnh trách nhiệm của các trưởng điểm thi, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương yêu cầu các trưởng điểm thi tiếp tục rà soát kỹ, toàn diện các điều kiện, dự liệu các tình huống đột xuất về dịch bệnh, thời tiết... để chủ động ứng phó. Các điểm thi phải tổ chức cho tất cả các thành viên tại điểm thi học quy chế thi nghiêm túc để chấp hành đúng, tuyệt đối không chủ quan.

Theo ông Trần Thế Cương, hầu hết cán bộ, giáo viên đã có nhiều năm được điều động coi thi, tuy nhiên mỗi năm lại làm nhiệm vụ ở một trường khác nhau, thí sinh mới, quy chế thi cũng bổ sung nhiều điểm mới... Do đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị mỗi cá nhân được điều động làm nhiệm vụ nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, làm tốt nhiệm vụ và tuyệt đối không chủ quan, lơ là ở bất kỳ khâu nào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục