Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa có công văn khẩn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị một số nội dung bổ sung trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải y tế phát sinh do dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Theo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành thực hiện bổ sung theo hướng dẫn của bộ thêm 3 đơn vị xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế trên địa bàn, gồm Công ty Cổ phần Môi trường Việt Úc, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh, Công ty Cổ phần Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu để tăng cường cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch của thành phố.
Qua theo dõi và đánh giá tình hình hoạt động thời gian qua, Ủy ban nhân dân thành phố nhận thấy mặc dù cả 3 công ty đều có thể đáp ứng về năng lực xử lý rác thải y tế theo yêu cầu của thành phố, nhưng lại hạn chế về năng lực vận chuyển, dẫn đến chưa tận dụng và phát huy triệt để được toàn bộ công suất xử lý của 3 đơn vị này.
Ngoài ra, công tác thu gom, vận chuyển rác thải y tế phát sinh do dịch tại một số khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 hoặc khu cách ly tập trung hiện gặp khó khăn do phải đảm bảo vận chuyển kịp thời, liên tục hằng ngày nhưng một số nơi chỉ có thể thu gom 2-3 ngày/tuần.
Trước tình hình này, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến đánh giá, xem xét cho phép thành phố thực hiện phương án huy động, sử dụng phương tiện vận chuyển của các công ty dịch vụ công ích khu vực quận, huyện.
[Rác thải y tế ở các điểm nóng COVID-19: Liên kết xử lý, tránh bị động]
Đây là lực lượng có năng lực và mạng lưới thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt rộng khắp địa bàn thành phố, có thể hỗ trợ, bổ sung lực lượng tạm thời vào công tác thu gom, vận chuyển rác thải y tế trên địa bàn để vận chuyển về 3 nhà máy xử lý đang tiếp nhận rác thải y tế của các công ty Việt Úc, Sài Gòn Xanh và Mộc An Châu.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 tại địa bàn tiếp tục diễn biến phức tạp, Thành phố đang thực hiện triệt để việc giãn cách xã hội khiến lượng chất thải phát sinh từ các khu cách ly y tế và bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 ngày càng tăng, Ủy ban nhân dân Thành phố kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép được sử dụng một số lò đốt rác hiện hữu của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa (đơn vị đang hoạt động xử lý rác thải sinh hoạt tại huyện Củ Chi với hệ thống 14 lò đốt rác) để dự phòng trong tình huống rác thải y tế bị quá tải, vượt công suất hoạt động của các nhà máy xử lý chất thải y tế hiện nay.
Để đảm bảo an toàn trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác y tế phát sinh do đại dịch COVID-19, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chủ động trong công tác quản lý, giám sát các hoạt động theo từng khâu, đồng thời hạn chế việc vận chuyển rác thải có nguy cơ lây nhiễm sang địa phương khác trong điều kiện các địa phương đều đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch.
Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra hướng dẫn các công ty xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế ở các tỉnh, thành phố lân cận có thể hỗ trợ lẫn nhau trong việc xử lý rác thải y tế do dịch COVID-19 phát sinh giữa các địa phương.
Tuy nhiên, tình hình dịch hiện nay tại các tỉnh giáp ranh với Thành phố Hồ Chí Minh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu đều đang diễn tiến theo chiều hướng phức tạp, các tỉnh đều thực hiện giãn cách nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16 và một số quy định riêng tăng cường của từng tỉnh nên việc di chuyển giữa các địa phương đang gặp nhiều hạn chế.
Do đó, việc sử dụng nội lực hiện tại là các đơn vị xử lý rác có lò đốt trên địa bàn có thể xem là phù hợp nhất với nhu cầu và điều kiện hiện nay của Thành phố Hồ Chí Minh, cần được nghiêm túc xem xét.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày tại thành phố lượng rác thải y tế phát sinh do dịch bệnh là khoảng 70-80 tấnm với 4 đơn vị tham gia xử lý, công suất tối đa lên đến 120 tấn/ngày./.