TP Hồ Chí Minh: Dồn sức ôn thi để giành suất vào lớp 10 công lập

Tổng chỉ tiêu vào các trường THPT công lập TP Hồ Chí Minh là hơn 77.300, nhưng số thí sinh đăng ký thi hơn 98.600 em; nên trong giai đoạn này, các em phải miệt mài ôn luyện để giành suất vào công lập.
Thí sinh trước giờ làm bài thi môn Ngữ văn tại điểm thi Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) năm 2023. (Ảnh: TTXVN phát)

Chỉ còn gần một tháng nữa, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập Thành phố Hồ Chí Minh sẽ diễn ra với ba môn thi Toán, Văn, Ngoại ngữ.

Tổng chỉ tiêu tuyển sinh các trường Trung học phổ thông công lập trên địa bàn là hơn 77.300, nhưng số thí sinh đăng ký dự thi tới hơn 98.600 em. Để giành suất vào trường công lập, các em học sinh lớp 9 miệt mài ôn luyện trong giai đoạn cận kỳ thi sắp tới.

Dồn sức ôn thi

Năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến có 114.933 học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở. Trong số đó, hơn 98.600 em đã đăng ký dự thi lớp 10 công lập, hơn 16.200 học sinh còn lại không đăng ký dự thi mà chọn các hướng đi khác như học tiếp ở các trường tư thục, giáo dục thường xuyên hoặc trường nghề hoặc đi du học…

Dù vậy, so sánh giữa chỉ tiêu tuyển sinh và số học sinh đăng ký dự thi vẫn có đến hơn 21.000 học sinh sẽ không trúng tuyển trong kỳ thi sắp tới. Dù không thiếu chỗ học ở các loại hình khác, nhưng mong muốn vào lớp 10 công lập của học sinh và các bậc phụ huynh vẫn rất lớn. Cuộc đua giành suất vào lớp 10 công lập vì thế mà trở nên căng thẳng.

Thời điểm này, các trường Trung học Cơ sở đã cơ bản hoàn tất chương trình năm học và học sinh lớp 9 bước vào giai đoạn ôn thi lớp 10. Cũng như mọi năm, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập Thành phố Hồ Chí Minh năm nay cũng gồm ba môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Học sinh đăng ký vào lớp 10 chuyên hoặc tích hợp sẽ làm thêm bài thi tương ứng. Không chỉ ôn tập trên lớp theo chương trình nhà trường, nhiều học sinh còn tham gia các lớp học thêm với lịch học được sắp xếp kín các ngày trong tuần.

Em Minh Hải (quận 3) đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai, nguyện vọng 2 Trường Trung học Phổ thông Trưng Vương, nguyện vọng 3 là Trường Trung học Phổ thông Marie Curie. Những năm trước, đây đều là những trường có điểm chuẩn và tỷ lệ chọi khá cao.

Thí sinh trước giờ làm bài thi môn Ngữ văn tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (thành phố Thủ Đức) năm 2023. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Để đạt kết quả tốt, Hải dành nhiều thời gian cho việc ôn thi với lịch học kín tuần, cả học thêm và tự học. Ngoài giờ học trên lớp, Hải có 4 buổi chiều học thêm các môn thi. Kết thúc mỗi buổi học thêm, về nhà em tiếp tục ôn luyện và làm bài tập môn đó để nắm chắc kiến thức. Với lực học của bản thân trong năm cùng với sự tập trung cao cho việc ôn luyện giai đoạn này, em Minh Hải cho biết khá tự tin trước kỳ thi này.

Khánh Lam, học sinh một Trường Trung học Cơ sở ở quận 1, cho biết năm nay em đăng ký vào lớp 10 thường với 3 nguyện vọng lần lượt là Trường Trung học Phổ thông Võ Thị Sáu, Trung học Phổ thông Ten Lơ Man và Trung học Phổ thông Nguyễn Thị Diệu. Qua dữ liệu đăng ký nguyện vọng tuyển sinh mà Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố công bố, em nhận thấy tỷ lệ chọi ở trường nguyện vọng 2 của mình còn cao hơn trường ở nguyện vọng 1 nên em cũng khá băn khoăn. Tuy nhiên, em sẽ không điều chỉnh nguyện vọng mà sẽ dành thời gian tập trung vào việc ôn thi.

“Ngoài giờ học trên lớp vào buổi sáng, các buổi chiều trong tuần em đến lớp học thêm 2 môn Toán và tiếng Anh. Thời gian còn lại ở nhà em sẽ sắp xếp để ôn đều cả 3 môn thi, mỗi môn từ 2-3 tiếng. Từ khi bắt đầu vào lớp 9 em đã chuẩn bị tâm thế chủ động, ưu tiên và tập trung cao cho việc học bởi năm học cuối cấp rất quan trọng,” Khánh Lam chia sẻ.

Đặt nguyện vọng 1 vào Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Hữu Huân, em Lan Hương (thành phố Thủ Đức) cho biết em khá lo lắng khi vừa qua Sở công bố số liệu đăng ký nguyện vọng, trường này có tỷ lệ chọi cao nhất Thành phố. Em sẽ cố gắng hơn nữa để có thể vào được trường mong muốn. Ngoài học trên lớp, em học thêm môn Toán, tiếng Anh, riêng môn Ngữ văn lực học em khá ổn nên em tự ôn luyện ở nhà.

Chọn trường vừa sức với lực học nên Bảo Ngân, ngụ quận Bình Thạnh không chọn học thêm suốt tuần như các bạn khác mà chỉ học thêm môn Ngữ văn vào cuối tuần. Nhưng thời gian còn lại ở nhà Bảo Hân cũng dồn sức tự học để nâng cao kiến thức, trau dồi kỹ năng. Tham khảo điểm chuẩn những năm trước, năm nay Bảo Hân đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường Trung học Phổ thông Gia Định, nguyện vọng 2 vào Trung học Phổ thông Trưng Vương và nguyện vọng 3 là Trung học Phổ thông Thanh Đa.

Bảo Ngân cho biết so sánh với điểm chuẩn những năm trước, kết quả học tập 3 môn Toán, Văn, Anh của em vừa đủ để vào được Trường Trung học phổ thông Gia Định nên em khá tự tin. Thời gian này em sẽ cố gắng ôn tập tốt để có kết quả an toàn vào trường này.

Giảm áp lực cho học sinh

Chỉ còn khoảng 3 tuần nữa học sinh sẽ bước vào kỳ thi lớp 10 công lập. Trong giai đoạn nước rút này, các trường Trung học Cơ sở tập trung vào việc ôn tập các nội dung trọng tâm, củng cố lại kiến thức, rèn luyện kỹ năng làm bài một cách nhẹ nhàng, giảm áp lực cho học sinh trước khi bước vào kỳ thi. Trước đó, một số trường cũng tổ chức các buổi thi thử để các em học sinh làm quen với dạng đề cũng như áp lực thời gian làm bài thi.

Thầy Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Huỳnh Khương Ninh (quận 1), cho rằng học tập là cả một quá trình dài và ôn luyện giai đoạn này chủ yếu giúp học sinh củng cố lại kiến thức, làm quen với đề thi. Do đó, để không tạo nhiều áp lực cho học sinh, nhà trường chỉ tổ chức dạy học 1 buổi/ngày từ thứ 2 đến thứ 6 và tập trung cho 3 môn thi chính, riêng thứ 4 các em sẽ học trực tuyến. Việc ôn tập của các em cũng sẽ kết thúc trước một tuần thi để các em có thêm thời gian nghỉ ngơi. Dù biết rằng kỳ thi tuyển lớp 10 công lập khá căng thẳng, nhưng phụ huynh không nên đặt quá nhiều áp lực với các em mà cần hiểu con mình sức học đến đâu mà chọn vào trường phù hợp.

Về định hướng ôn thi, giáo viên các bộ môn cho rằng đề thi các kỳ tuyển sinh lớp 10 của Thành phố nhiều năm gần đây đều ra có định hướng giải quyết vấn đề thực tiễn. Vì thế, để đạt được điểm cao, ngoài kiến thức trong chương trình học, các em cần rèn kỹ năng áp dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Như ở môn Toán, các em nên bỏ qua tâm lý sợ các bài toán thực tiễn mà cần bình tĩnh, phân tích đề kỹ trước khi làm bài. Các em không nên quá đặt nặng việc ôn luyện kiến thức chuyên sâu, ngoài sách giáo khoa. Bởi, tất cả kiến thức trong đề thi đều nằm trong chương trình lớp 9, quan trọng là các em cần phân tích kỹ đề thi và xem xét sử dụng kiến thức nào để giải quyết vấn đề mà bài toán đặt ra. Riêng với môn Ngữ văn, việc các em có nguồn tư liệu từ thực tiễn cuộc sống và các vấn đề xã hội là một lợi thế rất lớn để có thể làm bài tốt bài, nhất là phần nghị luận xã hội.

Nhiều ý kiến cho rằng chủ trương phân luồng học sinh sau Trung học Cơ sở là đúng đắn. Tuy nhiên, để ngày càng nhiều người học chủ động lựa chọn các hình thức học tập khác, giảm áp lực vào trường công lập, cần phải chú trọng nhiều hơn đến việc nâng cao chất lượng các loại hình học tập này. Cùng với đó, công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, phụ huynh ở bậc Trung học Cơ sở cần được thực hiện tốt hơn.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Bùi Thị Xuân, chia sẻ sau tốt nghiệp Trung học Cơ sở, phụ huynh có rất nhiều hướng chọn cho con mình đi tiếp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, mong muốn của đa phần phụ huynh và học sinh là học ở trường công lập bởi học phí nhẹ, chương trình chuẩn, môi trường học tập tốt.

Còn trường tư thục, nhìn chung có mức học phí cao sẽ đặt ra bài toán về kinh tế cho mỗi gia đình. Với hệ giáo dục thường xuyên, do đặc thù số môn học ít hơn nên để vào được đại học, học sinh cần phải nỗ lực nhiều trong việc học các môn, nhất là phải chịu đầu tư cho việc luyện thêm tiếng Anh ở bên ngoài. Còn với hệ thống trường nghề, cần đầu tư hơn nữa cả về cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng, để phụ huynh an tâm lựa chọn cho con theo học./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục