TP.HCM: Doanh nghiệp với "cuộc chiến" vừa sản xuất, vừa chống COVID-19

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết thành phố tạo điều kiện và hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức sản xuất an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch theo 1 trong 4 phương án.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân làm việc tại Khu chế xuất Tân Thuận. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư kéo dài và diễn biến phức tạp trên địa Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp nhận định, bám sát tình hình dịch bệnh, kết nối chặt chẽ với đối tác và thực hiện sản xuất kinh doanh an toàn và hiệu quả thật sự là "cuộc chiến" sống còn của doanh nghiệp.

Cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố kỳ vọng chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục linh hoạt kịp thời những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phù hợp với diễn biến của dịch bệnh. 

Mặc dù Thành phố Hồ Chí Minh đối mặt với dịch COVID-19, dẫn đến phải thực hiện Chỉ thị 16/TT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian dài, nhưng tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn vẫn tăng trưởng.

Kết quả này cho thấy chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn đã nỗ lực không ngừng thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Hiện nay, toàn Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và doanh nghiệp nói riêng đang tiếp tục thực hiện tốt phòng chống dịch COVID-19 với phương châm “Chống dịch như chống giặc.” Theo đó, đơn vị sản xuất, kinh doanh ở tất cả ngành nghề, lĩnh vực đều phải thực hiện sản xuất ở những địa điểm chưa có dịch bệnh.

[Đồng Tháp dừng hoạt động một doanh nghiệp do không đảm bảo phòng dịch]

Báo cáo của Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP), tính chung 7 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2021 tăng 2,1%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với chỉ số sản xuất chung của ngành công nghiệp.

Còn ngành công nghiệp cấp II có 22/30 ngành đạt chỉ số đều tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, nhóm ngành có mức tăng cao như chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất kim loại; công nghệ chế biến, chế tạo khác; sản xuất thiết bị điện; sản xuất sản phẩm điện tử máy vi tính và sản phẩm quang học.

Đại diện Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 7 năm 2021 ước tăng 15,8%. Nguyên nhân là do Việt Nam, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh đang phải phòng, chống dịch COVID-19.

Một số quốc gia là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng cũng đang chống dịch. Vì vậy, nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bị thiếu hụt và thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước, cũng như quốc tế gặp nhiều khó khăn.

Ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh, trước tác động của dịch COVID-19 không ít doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng và tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh để thực hiện biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Một số doanh nghiệp khác, cũng gồng gánh thêm chi phí phát sinh, đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và hạn chế tình trạng đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.

Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công y cổ phần Việt Nam kỹ nghệ sức sản Vissan, cho biết dự kiến doanh nghiệp sẽ chính thức tái hoạt động sản xuất giết mổ trở lại vào ngày 20/8/2021. Hiện tại, doanh nghiệp đang hoàn thiện biện pháp phòng chống dịch COVID-19 như khử khuẩn, vệ sinh môi trường làm việc cho người lao động.

Theo ông Nguyễn Ngọc An, khi tái hoạt động sản xuất giết mổ trở lại, Vissan đảm bảo số lượng giết mổ dao động ở mức từ 200-300 con lợn/ngày và sẽ tăng dần trong thời gian tới. Vissan tổ chức hoạt động giết mổ từ 7 giờ sáng mỗi ngày, nhập lợn hơi trong khung thời gian từ 21 giờ ngày hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau.

Khu chế xuất Tân Thuận. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Trước đó, Vissan là một trong những doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh buộc phải tạm ngưng hoạt động sản xuất giết mổ do liên quan đến ca nhiễm COVID-19. Mặc dù, Vissan cũng là một trong những doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh "3 tại chỗ" tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng dịch vẫn xâm nhập và gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Cộng đồng doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, họ rất lo lắng trước nguy cơ hiện hữu là phải dừng sản xuất, khi gần đây xuất hiện tình trạng dịch COVID-19 xâm nhập vào một số nhà máy, khư vực sản xuất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có nguy cơ đối mặt với chuỗi sản xuất, kinh doanh bị đứt gẫy do đối tác, bạn hàng... liên quan đến ca lây nhiễm dịch COVID-19.

Liên quan đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực, thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (FFA), cho biết hội đã có báo cáo nhanh và kiến nghị giải pháp hỗ trợ sản xuất, lưu thông ổn định trong thời gian tới cho ngành lương thực thực phẩm.

Đặc biệt, FFA đề xuất Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thành lập “Tổ phản ứng nhanh của Thành phố Hồ Chí Minh” trên cơ sở có sự tham gia của Lãnh đạo Thành phố, Sở Y tế, Sở Công Thương, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC).

Tổ tiếp nhận thông tin từ doanh nghiệp và ưu tiên kết hợp với Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc Ủy ban Nhân dân quận, huyện triển khai hỗ trợ doanh nghiệp sàng lọc.

Riêng đối với những nhóm ngành sản xuất xuất khẩu, doanh nghiệp rất cần một kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 linh động, phù hợp với tình hình thực tế để chủ động lên phương án sản xuất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang tạm ngừng sản xuất có thể chuẩn bị đáp ứng điều kiện phòng chống dịch COVID-19 và quay lại sản xuất đáp ứng đơn hàng xuất khẩu vào dịp cuối năm.

Về hỗ trợ hoạt động sản xuất, theo Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố tạo điều kiện và hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức sản xuất an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch theo 1 trong 4 phương án.

Cụ thể, phương án 1 là tiếp tục thực hiện phương án “3 tại chỗ” hoặc phương án “3 tại chỗ theo kíp” linh hoạt (sản xuất tại chỗ-ăn tại chỗ-nghỉ ngơi tại chỗ luân phiên theo kíp sản xuất).

Phương án 2 là tiếp tục thực hiện phương án “1 cung đường-2 địa điểm” hoặc phương án “1 cung đường-2 địa điểm” linh hoạt (người lao động chỉ lưu thông trên 1 cung đường nối 2 địa điểm là nơi làm việc và nơi lưu trú tập trung). 

Phương án 3 là cả 2 mô hình “3 tại chỗ” và “1 cung đường-2 địa điểm.” Cuối cùng là phương án 4 là tổ chức hoạt động theo phương châm “4 xanh” gồm nhân lực xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh.

Để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, cũng như dựa trên cơ sở kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Huba) và các Hội ngành nghề, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa ban hành kế hoạch "Hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh."

Kế hoạch này đặt ra mục tiêu khẩn trương huy động mọi nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh những nơi có nhu cầu, đảm bảo điều kiện an toàn theo tiêu chí của Ủy ban Nhân dân thành phố. 

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo sở, ngành và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức theo dõi sát tình hình hoạt động; đồng thời chủ động nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp, kịp thời giải quyết hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết với tinh thần hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, người lao động.

Cơ quan quản  lý nhà nước trên địa bàn thành phố phụ trách các lĩnh vực cập nhập những chính sách hỗ trợ mới. Từ đó, đề xuất triển khai ngay với những hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người lao động tiếp cận chính sách hỗ  trợ này.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao Sở Công Thương phối hợp liên ngành tham mưu phân loại doanh nghiệp theo mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đề xuất tiêu chí xác định doanh nghiệp cần tập trung hỗ trợ.

Hơn nữa, Sở Công Thương và Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cùng đơn vị liên quan sớm tham mưa, đề xuất Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành quy chuẩn hoạt động sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn phòng chống dịch để doanh nghiệp quay lại hoạt động với lộ trình cụ thể.

Trước mắt, sở, ngành Thành phố Hồ Chí Minh có thể nghiên cứu, triển khai thí điểm đối với một số khu công nghiệp, khu chế xuất đã hoàn  thành việc tiêm vaccine mũi 2./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục