Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tham mưu đưa sách giáo khoa vào danh mục mặt hàng thiết yếu trong mùa dịch để tạo điều kiện cho việc vận chuyển, cung ứng sách giáo khoa đến học sinh trước thềm năm học mới 2021-2022.
Đây là thông tin được cung cấp tại cuộc họp báo về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh do Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 27/8.
Đưa sách giáo khoa vào danh mục mặt hàng thiết yếu
Theo ông Nguyễn Thành Trung, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, từ cuối năm học 2020-2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố đã yêu cầu các trường trên địa bàn rà soát nhu cầu, số lượng sách giáo khoa thực tế cần cung cấp để Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện và nhà xuất bản, phát hành sách cung ứng.
Đến nay, sách giáo khoa cơ bản đã về Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó khoảng 70% sách dành cho khối tiểu học đã chuyển đến các trường.
Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp các nhà xuất bản triển khai sách giáo khoa điện tử đến tất cả các trường, cơ sở giáo dục, đồng thời thông tin đến phụ huynh để hướng dẫn sử dụng miễn phí.
Trước đó, nhiều phụ huynh ở Thành phố Hồ Chí Minh không thể mua sách giáo khoa trước năm học mới, dự kiến bắt đầu từ tháng 9/2021 theo hình thức trực tuyến.
Các đơn hàng sách giáo khoa đặt online đều nghẽn do đơn vị vận chuyển quá tải. Một số trường đặt mua sách cho tất cả học sinh nhưng chưa thể tiếp nhận bởi trường đang được trưng dụng làm khu cách ly.
[TP Hồ Chí Minh bước vào năm học mới trong bối cảnh dịch COVID-19]
Ông Nguyễn Thành Trung cho biết để vận chuyển sách đến học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng thông tin đã tham mưu Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bổ sung sách giáo khoa vào danh mục mặt hàng thiết yếu trong mùa dịch, qua đó giúp Sở Giao thông-Vận tải và Công an Thành phố Hồ Chí Minh thuận lợi hơn trong việc cấp giấy đi đường cho nhà xuất bản, công ty phát hành sách vận chuyển, cung ứng sách giáo khoa đến nhà trường, phụ huynh và học sinh để kịp chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022.
Liên quan đến việc cung ứng sách đến tay học sinh và phụ huynh học sinh, ông Nguyễn Thành Trung thông tin, Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ tham mưu cho Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức phương án cụ thể của từng địa phương để cung cấp sách đến cho phụ huynh, học sinh.
Tăng số lượng tổng đài viên 1022 hỗ trợ người dân
Tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh Lê Quốc Cường đã cung cấp thông tin về tình hình hoạt động của Cổng thông tin 1022 Thành phố Hồ Chí Minh (tổng đài 1022) do Sở vận hành với sự tham gia của 86 đơn vị và 625 đầu mối xử lý.
Tính đến thời điểm hiện tại, Cổng thông tin 1022 là kênh tiếp nhận và xử lý chính thức các thông tin phản ánh, yêu cầu hỗ trợ từ người dân đến chính quyền thành phố trong thời gian thành phố triển khai các giải pháp phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Hiện tổng đài 1022 đang tiếp nhận các loại thông tin qua 5 kênh: phản ánh về các vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19 (phím 0); gửi ý kiến đến Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (phím 1); kênh tiếp nhận và xử lý thông tin hỗ trợ người dân gặp khó khăn (phím 2); tư vấn chăm sóc sức khoẻ (phím 3) và kết nối với mạng lưới tình nguyện viên tiếp nhận thông tin hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội (phím 4).
Về số liệu thống kê của từng kênh, ông Lê Quốc Cường cho biết đối với nhánh 0, từ ngày 28/5 đến ngày 25/8 đã tiếp nhận và chuyển hơn 47.000 tin phản ánh, tin báo của người dân. Hơn 80% số tin được các cơ quan, đơn vị xử lý, giải đáp và cung cấp thông tin cho người dân kịp thời. Nhánh 1 đã tiếp nhận 335 ý kiến, kiến nghị, phản ánh và chuyển đến Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian từ ngày 16/7 đến 25/8. Còn nhánh 3 đã tiếp nhận, tư vấn sức khỏe cho 26.000 cuộc gọi (từ ngày 23/7 đến 25/8), nhánh 4 tiếp nhận 65.225 cuộc gọi đề nghị tình nguyện viên hỗ trợ (từ ngày 6-25/8).
Tuy nhiên, trong thời gian qua, kênh tiếp nhận và xử lý thông tin hỗ trợ người dân (nhánh 2) đã gặp khó khăn, quá tải do đại dịch COVID-19.
Ông Lê Quốc Cường cho biết trong khoảng thời gian hơn 1 tháng từ ngày 22/7 đến 25/8, Tổng đài 1022 nhánh 2 đã tiếp nhận và chuyển xử lý gần 180.000 yêu cầu hỗ trợ từ người dân, trung bình khoảng 5.000-6.000 cuộc gọi mỗi ngày. Do đó, một số người dân khi gọi đến tổng đài đã không nhận được phản hồi.
Nhằm giải quyết vấn đề trên, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng thêm số lượng tổng đài viên lên đến 50 người/ca, có khả năng tiếp nhận theo ca khoảng 7.000 cuộc gọi.
Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) triển khai các phương thức liên hệ khác để “giảm tải” cho các tổng đài viên như email, website và các kênh tương tác tự động sử dụng trí tuệ nhân tạo như ứng dụng điện thoại thông minh, trang Facebook và kênh Zalo của tổng đài 1022. Người dân khi liên hệ đến tổng đài 1022 thông qua các kênh này sẽ được miễn cước phí cuộc gọi, tin nhắn.
“Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh và VNPT sẽ tập trung nâng cấp công cụ quản lý, điều phối thông tin để giúp người dân liên hệ đến tổng đài được thuận lợi hơn, tạo điều kiện cho tổng đài viên tiếp nhận, xử lý các yêu cầu của người dân nhanh chóng hơn," ông Lê Quốc Cường cho biết.
Thí điểm thuốc Molnupiravir vào điều trị COVID-19
Về việc Thành phố Hồ Chí Minh triển khai chương trình thí điểm điều trị COVID-19 bằng thuốc kháng virus Molnupiravir, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết loại thuốc này được chỉ định dùng cho trường hợp người mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ và được kiểm soát đặc biệt.
Trong sáng 27/8, 16.000 liều thuốc Molnupiravir đã được ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh “hỏa tốc” chuyển xuống các quận, huyện và thành phố Thủ Đức để điều trị cho người bệnh đang cách ly, theo dõi tại nhà.
Đại diện HCDC thông tin thêm người mắc COVID-19 có xét nghiệm RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên với SARS-CoV-2 dương tính và có các triệu chứng ở mức độ nhẹ như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi nhưng không có các dấu hiệu viêm phổi hoặc thiếu ôxy, nhịp thở thấp thì sẽ đủ điều kiện sử dụng thuốc Molnupiravir để hỗ trợ điều trị.
Người bệnh đồng ý và thực hiện đúng theo bản cam kết tham gia chương trình can thiệp. Đối với bệnh nhân không triệu chứng thì không được sử dụng thuốc. Với bệnh nhân chuyển sang tình trạng bệnh trung bình hay nặng thì sẽ phải ngưng dùng thuốc.
Bệnh nhân đã sử dụng thuốc được 3-4 ngày, cảm thấy khỏe hẳn, hết triệu chứng vẫn phải tiếp tục dùng thuốc cho đủ liệu trình 5 ngày, trừ khi xuất hiện các chống chỉ định hoặc tác dụng không mong muốn nặng.
Bên cạnh đó, HCDC lưu ý người bệnh cần chú ý sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn, tuyệt đối không chia sẻ thuốc cho người khác nếu không có sự tư vấn của bác sỹ. Trong trường hợp không sử dụng hết thuốc, người bệnh phải hoàn trả lại cho nhân viên y tế.
Đặc biệt, bệnh nhân nữ phải cam kết không mang thai trong thời gian sử dụng thuốc và trong 100 ngày kể từ ngày cuối cùng sử dụng thuốc; không cho con bú trong thời gian sử dụng thuốc và trong 100 ngày kể từ ngày cuối cùng sử dụng thuốc.
Bệnh nhân nam phải cam kết sử dụng các biện pháp tránh thai khi quan hệ tình dục trong vòng 100 ngày kể từ ngày cuối cùng sử dụng thuốc.
Trong quá trình sử dụng, nếu người bệnh xảy ra tác dụng không mong muốn thì báo ngay với y tế địa phương./.