TP.HCM: Kẹt xe gia tăng do các dự án nhà cao tầng không phù hợp?

Tình trạng kẹt xe ngày càng gia tăng tại TP.HCM, theo nhiều đại biểu, là do các dự án nhà cao tầng trong nội đô không phù hợp với hạ tầng cơ sở, hạ tầng kỹ thuật.
Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh Trần Trọng Tuấn trả lời chất vấn của các đại biểu. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ngày 8/12, tại kỳ họp thứ ba Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX, các đại biểu đã tập trung chất vấn Ủy ban Nhân dân Thành phố cùng các sở, ngành về các vấn đề “nóng,” đặc biệt là tình trạng kẹt xe khu vực nội đô do xây dựng các nhà cao tầng không phù hợp hạ tầng cơ sở, hạ tầng kỹ thuật.

Trước thực trạng kẹt xe ngày phức tạp ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là các khu vực trung tâm, đại biểu Tô Thị Bích Châu đặt vấn đề: “Việc cấp phép xây dựng nhà cao tầng trong nội đô, đặc biệt là xây dựng trung tâm thương mại, Sở Xây dựng có tính toán đến việc gây ùn tắc giao thông hay không? Ví dụ hai trung tâm thương mại cùng nằm gần một giao lộ, khiến khu vực này thường xuyên kẹt xe, nhất là vào giờ cao điểm.”

Về vấn đề này, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, các dự án nhà cao tầng, trong đó có dự án nhà ở, trung tâm thương mại và các công trình công cộng khác đều được thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và cấp phép xây dựng trên cơ sở phù hợp quy hoạch được phê duyệt hoặc giấy phép quy hoạch đã được cấp. Các tiêu chí để xem xét bao gồm mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, chỉ tiêu về dân số, số tầng cao...

Những chỉ tiêu quy hoạch này và các chỉ tiêu quy hoạch về nhà ở được lập ra, thẩm định và phê duyệt trên cơ sở đồng bộ với các chỉ tiêu quy hoạch về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại khu vực đó, gồm có giao thông, cấp thoát nước, điện, cây xăng, trường học.

Không hài lòng với trả lời của Giám đốc Sở Xây dựng, đại biểu Tô Thị Bích Châu cho rằng: “Xây dựng nhà cao tầng thì lý thuyết là vậy, phù hợp quy hoạch. Nhưng hiện tại trung tâm thương mại đã xây xong, kẹt xe thì xảy ra mỗi ngày và đang trở thành vấn nạn của thành phố. Những trung tâm thương mại gần nhau gây kẹt xe vào giờ cao điểm, Sở Xây dựng tham mưu thế nào để giải quyết cho các công trình mới, chứ chưa nói đến công trình cũ.”

Liên quan vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết thêm, tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ cũng giao cho Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội giám sát chặt chẽ việc xây nhà cao tầng tại khu trung tâm, dẫn đến ách tắc giao thông ở hai thành phố lớn này.

Ông Trần Trọng Tuấn thừa nhận, vấn đề bất cập là các dự án đầu tư đi trước dự án hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Đáng lẽ, theo quy trình thì hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phải đầu tư trước, rồi sau đó mới đầu tư các công trình cao ốc.

Hiện nay, Ủy ban Nhân dân Thành phố đang giao Sở Xây dựng phối hợp đơn vị tư vấn Bộ Xây dựng để xây dựng chương trình phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm, trong đó, để đảm bảo sự kết nối, thống nhất hạ tầng khu vực, phát triển nhà ở phải gắn với kế hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Theo đại biểu Diệp Hồng Di, thực tế, Sở Xây dựng cấp phép cho chủ đầu tư thực hiện dự án theo kinh phí của doanh nghiệp, trong khi quy hoạch hạ tầng giao thông thì do nhà nước thực hiện.

Với ngân sách thành phố hiện nay, việc khắc phục quy hoạch hạ tầng giao thông theo kịp với quy hoạch nhà ở là vấn đề khó. Có biện pháp nào để các doanh nghiệp này hỗ trợ đối với việc đầu tư cho hạ tầng giao thông?

Trong khi đó, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê nêu vấn đề, tình trạng ngập úng hiện nay cũng có hệ lụy do quản lý không chặt chẽ, thậm chí buông lỏng. Việc không kết nối được hạ tầng, vừa tổn thất ngân sách nhà nước, tốn tiền của nhân dân.

Về bất cập công trình nhà cao tầng với vấn đề hạ tầng cơ sở, ông Trần Trọng Tuấn đã đưa ra các giải pháp ngắn hạn cũng như dài hạn.

“Trước hết, ở các khu vực cụ thể sẽ kiểm tra, khảo sát để có giải pháp. Về lâu dài, phải có chương trình phát triển nhà ở 5 năm và kế hoạch nhà ở hàng năm, xác định lộ trình và địa điểm khu vực, phát triển dự án gắn với chương trình, kế hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật, trong đó có giao thông. Thời gian tới, nếu khu vực chưa phát triển hạ tầng kỹ thuật, chưa phát triển hạ tầng giao thông tới khu vực đó thì chỉ xây dựng nhà ở tương ứng để đảm bảo đồng bộ,” ông Trần Trọng Tuấn nói.

Đối với doanh nghiệp hỗ trợ phát triển hạ tầng, ông Trần Trọng Tuấn cho biết: “Chúng ta đã có một thời gian thí điểm thực hiện tại quận 2 và quận Bình Tân với Quỹ phát triển hạ tầng. Nhưng đến nay đã chấm dứt và không phát triển đại trà vì nhà đầu tư đã thực hiện nhiều nghĩa vụ khác nhau, trong đó có nghĩa vụ tài chính đã đóng vào ngân sách. Việc đầu tư hạ tầng là trách nhiệm của nhà nước, không thể bắt buộc doanh nghiệp tham gia đóng góp cho hạ tầng.”

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng: "Có những dự án, công trình làm tăng ngân sách nhưng lại tác động ngược chiều đối với chất lượng sống của người dân là phát triển không bền vững.

Ủy ban Nhân dân Thành phố cần đánh giá vấn đề này để chỉ đạo tốt hơn trong thời gian tới, không để điểm “nghẽn” trong đời sống người dân, nhu cầu phúc lợi của người dân.

Phát triển một trung tâm thương mại đương nhiên là ngân sách sẽ thu được thuế, quy mô nền kinh tế tăng lên; phát triển nhà cao tầng, tăng hệ số sử dụng đất, nhưng hệ lụy là kẹt xe, tăng dân số cơ học khu vực đó...

Do vậy, chúng ta phải suy nghĩ tổng quan để đảm bảo chất lượng sống của người dân và tính bền vững trong phát triển của thành phố"./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục