Ngày 22/3, Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh đã mở 4 phiên tòa xét xử sơ thẩm theo hình thức trực tuyến. Đây là những vụ án đầu tiên mà Tòa án nhân dân hai cấp Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra xét xử theo hình thức trực tuyến.
Ghi nhận tại Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức sáng 22/3, Hội đồng xét xử và đại điện Viện Kiểm sát tham gia phiên tòa tại điểm cầu Tòa án thành phố Thủ Đức, các bị cáo tham gia phiên tòa tại phòng xét xử trực tuyến của Công an thành phố Thủ Đức.
Hình ảnh, âm thanh giữa hai điểm cầu trực tuyến rõ ràng, không khác biệt so với xét xử trực tiếp.
Tại phiên tòa xét xử bị cáo Phùng Lê Phát (sinh năm 1996 tại Thành phố Hồ Chí Minh), đại diện Viện Kiểm sát thành phố Thủ Đức đã công bố cáo trạng.
Vào khoảng 19 giờ 30 ngày 6/9/2021, tại khu vực ngã ba đường Nguyễn Duy Trinh-Lã Xuân Oai, phường Long Trường, thành phố Thủ Đức, Phùng Lê Phát đã thực hiện hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy ở thể rắn loại Methaphetamine có khối lượng 1,0833 gram để sử dụng và đã bị phát hiện, bắt quả tang.
Hành vi của bị cáo gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, do đó cần phải xử lý nghiêm trước pháp luật để răn đe, giáo dục riêng và phòng ngừa cho xã hội.
Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Phùng Lê Phát 2 năm tù về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, theo điểm c, khoản 1, Điều 249 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Sau khi tuyên án, Thư ký Tòa án có mặt tại điểm cầu Công an thành phố Thủ Đức đã cho bị cáo ký xác nhận về tình trạng âm thanh, hình ảnh trong quá trình xét xử.
[Tòa án nhân dân được tổ chức xét xử trực tuyến từ 1/1/2022]
Theo kế hoạch, sau vụ án Phùng Lê Phát phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy, Hội đồng xét xử sẽ tiếp tục xét xử trực tuyến các vụ án Trương Mạnh Phi phạm tội trộm cắp tài sản, Trần Lâm Bảo Trâm phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy và Nguyễn Văn Hải phạm tội trộm cắp tài sản.
Trao đổi với phóng viên TTXVN sau phiên tòa, ông Nguyễn Thành Vinh, Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức cho biết việc xét xử trực tuyến là phù hợp trong tình hình dịch bệnh, hạn chế số người bị ảnh hưởng nếu có người mắc COVID-19; giảm kinh phí đưa các bị cáo tới phiên tòa.
Các quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo được đảm bảo đầy đủ như phiên tòa xét xử trực tiếp.
Trước đó, như TTXVN đã đưa tin, trong thời điểm Thành phố Hồ Chí Minh đang áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tháng 6/2021, Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức đã đề xuất cấp trên chấp thuận chủ trương cho thí điểm xét xử trực tuyến các vụ án hình sự đối với bị cáo đang bị tạm giam tại Nhà giam giữ của Công an thành phố Thủ Đức.
Đề xuất này sau đó được Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ và kiến nghị cấp cao hơn.
Ngày 12/11/2021, Quốc hội ban hành Nghị quyết 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Theo Nghị quyết này, tòa án được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, trừ một số trường hợp vụ án liên quan đến bí mật nhà nước, các tội xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh./.