TP.HCM: Nhiều khó khăn trong triển khai giáo dục phổ thông mới

Dù là năm thứ ba triển khai, nhưng thực trạng thiếu trường, lớp, đội ngũ giáo viên khiến việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở Thành phố Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn.
Nghi thức đón học sinh đầu cấp trong lễ khai giảng tại Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Theo lộ trình, năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 được triển khai cho các khối lớp 1, 2, 3, 6, 7 và lớp 10.

Dù là năm thứ ba triển khai, nhưng thực trạng thiếu trường, lớp, đội ngũ giáo viên khiến việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở Thành phố Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn.

Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày thấp

Tổ chức học 2 buổi/ngày là một trong những yêu cầu để triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là với bậc Tiểu học. Thế nhưng, trong điều kiện quá tải trường, lớp do số học sinh hằng năm tăng cao, mục tiêu này là một thách thức với nhiều quận, huyện ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Những năm gần đây tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày tại quận Tân Phú có tăng lên, nhưng tỷ lệ vẫn còn thấp, trong đó, bậc Tiểu học chỉ đạt 27,5%, bậc Trung học Cơ sở đạt 33,37%. Đặc biệt, hiện chỉ có 8 trong số 17 trường đảm bảo được 100% học sinh lớp 1, lớp 2 được học 2 buổi/ngày.

Ông Phan Sĩ Đạt, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Phú phân tích, số tiết trong một tuần của lớp 1 chương trình phổ thông mới là 25 tiết, như vậy những trường chưa đủ điều kiện tổ chức học 2 buổi/ngày, chỉ cần học 6 buổi/tuần là đủ nội dung.

Tuy nhiên, những khối lớp lớn hơn sẽ gặp khó khăn nếu không thể học 2 buổi/ngày. Như lớp 3, chương trình mới yêu cầu phải đảm bảo 28 tiết/tuần, lớp 4, lớp 5 phải học đến 30 tiết/tuần.

Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày của quận Gò Vấp đạt 82,86%, trong đó bậc Tiểu học đạt 73,3%, bậc Trung học Cơ sở đạt 96,93%. Dù tăng nhẹ so với năm trước, nhưng các trường chưa đáp ứng hết nhu cầu học 2 buổi/ngày của học sinh. Ngoài ra, ở nhiều trường, sĩ số học sinh/lớp cao cũng khiến việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới gặp khó khăn.

[Gỡ khó cho địa phương khi triển khai chương trình GD phổ thông mới]

Cô Lê Thị Hồng Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (quận Gò Vấp) cho biết, hiện trường có 38 lớp học ở các khối, trường cũng chưa đủ phòng học để tổ chức dạy 2 buổi/ngày cho toàn bộ học sinh.

Ngoài ra, trường có 17 lớp có sĩ số học sinh trên 45 em, 21 lớp có sĩ số học sinh trên 40 em, điều này khiến việc tổ chức hoạt động dạy và học gặp khó khăn. Mặt khác, trang thiết bị dạy học của trường hiện chỉ đáp ứng cơ bản các hoạt động giáo dục.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2022, ngành đưa vào sử dụng hơn 870 phòng học mới, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều trường phải giảm tỷ lệ học 2 buổi/ngày ở các lớp khác chưa thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, đồng thời dồn cơ cấu lớp dẫn đến tình trạng một số lớp sĩ số học sinh cao.

Chưa đáp ứng đủ chất và lượng giáo viên

Nhiều năm nay, tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều môn học gây ra không ít khó khăn cho ngành giáo dục Thành phố trong tổ chức dạy học. Mặt khác, chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều môn học mới và các môn tích hợp, dù đã được tập huấn, bồi dưỡng nhưng giáo viên vẫn lúng túng trong tổ chức dạy do chưa được đào tạo bài bản, chính quy.

Học sinh trường Tiểu học Bùi Văn Mới (thành phố Thủ Đức). (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Tại Quận 6, năm học này cần tuyển 63 giáo viên bậc Tiểu học, nhưng đến nay mới chỉ tuyển được 26 giáo viên. Còn bậc Trung học Cơ sở, có nhu cầu tuyển 41 giáo viên thì nay mới có 26 giáo viên được tuyển mới.

Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận cho biết, ở một số trường có kế hoạch tuyển dụng nhưng không có giáo viên ứng tuyển. Để đáp ứng yêu cầu giảng dạy, các trường phải ký hợp đồng với giáo viên bên ngoài. Số giáo viên thiếu chủ yếu là ở 2 môn tiếng Anh và Tin học.

Ngoài khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, vấn đề nâng chất lượng giáo viên cũng được quận chú trọng thực hiện. Quận còn hơn 120 giáo viên chưa đạt chuẩn theo quy định. Ngoài 25 giáo viên ngoài độ tuổi học nâng chuẩn, một số giáo viên đang theo học đại học hoặc đã đăng ký học nâng chuẩn.

Cũng như nhiều địa phương khác, quận Tân Phú cũng gặp khó khăn về đội ngũ giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, tiếng Anh. Ông Phan Sĩ Đạt, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Phú chia sẻ, nguồn tuyển giáo viên của những môn này rất khó khăn. Hầu như năm nào cũng tuyển nhưng vẫn luôn thiếu. Do đó, để đảm bảo đủ số lượng giáo viên, thành phố có phương án hỗ trợ kinh phí cho các trường ký hợp đồng với giáo viên bên ngoài để duy trì việc giảng dạy.

Về lâu dài, thành phố cần có thêm chính sách thu hút, đãi ngộ giáo viên để có đủ giáo viên, nhất là khi các môn Tin học, tiếng Anh là môn bắt buộc từ lớp 3. Ngoài thiếu giáo viên, khi thực hiện chương trình mới cũng có những khó khăn, nhất là những môn tích hợp, do giáo viên chưa được đào tạo chính quy mà chỉ bồi dưỡng, tập huấn.

Tương tự, quận Gò Vấp cũng thiếu 20 giáo viên tiếng Anh, 4 giáo viên Tin học bậc Tiểu học, bậc Trung học Cơ sở chủ yếu thiếu cục bộ ở các môn năng khiếu. Ngoài thiếu giáo viên, ở nhiều trường cũng gặp không ít khó khăn khi tổ chức dạy môn mới, môn tích hợp.

Bà Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Gò Vấp chia sẻ, các giáo viên được phân công giảng dạy các môn tích hợp (Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý) cũng như các nội dung, hoạt động giáo dục mới (Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, Giáo dục địa phương) gặp nhiều khó khăn do chưa được đào tạo bài bản, chính quy.

Đa số giáo viên hiện nay chỉ được đào tạo đơn môn, nên khi được phân công giảng dạy môn tích hợp còn gặp lúng túng dù đã được tập huấn, bồi dưỡng trước đó.

Để đáp ứng yêu cầu dạy học, các trường cho rằng, ngành giáo dục cần tổ chức tập huấn, bồi dưỡng thêm cho giáo viên đang giảng dạy. Về lâu dài, các trường đào tạo sư phạm cần có định hướng đào tạo phù hợp với chương trình học mới, để người học sau khi ra trường có thể đáp ứng yêu cầu dạy học ở chương trình mới.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, năm học mới ngành còn thiếu hơn 5.900 giáo viên, hiện Thành phố tuyển được hơn 3.200 giáo viên.

Để đảm bảo đủ giáo viên, thành phố sẽ tổ chức tuyển đợt 2 vào tháng 10 tới. Đối với các vị trí giáo viên thiếu nguồn tuyển như môn Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Sở đã hướng dẫn các đơn vị chủ động liên kết để chia sẻ giáo viên thỉnh giảng hoặc ký kết hợp đồng lao động ngắn hạn.

Cùng với đó, Sở tiếp tục chú trọng công tác tập huấn cho đội ngũ giáo viên giảng dạy chương trình mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục