TP.HCM phát hiện chùm ca mắc cúm A/H1N1 trong trường học

Chùm ca mắc cúm A/H1N1 với 20 học sinh cùng các triệu chứng như sốt, ho, đau họng, mệt mỏi, nôn đã được ghi nhận tại Trường Tiểu học Võ Trường Toản, Thành phố Hồ Chí Minh.
Phun thuốc khử độc, tiêu độc tại trang trại chăn nuôi. (Nguồn: TTXVN)

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của thành phố đã ghi nhận một chùm ca mắc cúm A/H1N1 với 20 học sinh trong một trường học.

Cụ thể, ngày 16/3, HCDC nhận được tin báo của Trung tâm Y tế Quận 10 về số học sinh của Trường Tiểu học Võ Trường Toản nghỉ ốm tăng bất thường.

Ngay sau khi nhận thông tin, HCDC đã nhanh chóng phối hợp với Bệnh viện Nhi đồng 1 và Trung tâm Y tế Quận 10 thực hiện điều tra dịch tễ, tổ chức thăm, khám cho các em.

Trong 2 ngày từ 15 đến 16/3, số học sinh nghỉ ốm trong một lớp tăng cao bất thường với 20 em cùng các triệu chứng như sốt, ho, đau họng, mệt mỏi, nôn. Có những học sinh sốt đến 39 độ C.

Qua thăm, khám, các bác sỹ nghi ngờ các em mắc cúm và thực hiện lấy ngẫu nhiên 6 mẫu xét nghiệm cúm gửi về Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh để tiến hành phân lập.

[Thành phố Hồ Chí Minh sẵn sàng phương án ứng phó dịch cúm gia cầm H5N1]

Kết quả là cả 6 mẫu có kết quả dương tính với cúm A/H1N1. Từ ngày 17/3 đến nay, Trường Tiểu học Võ Trường Toản không ghi nhận thêm trường hợp mới có triệu chứng cúm.

Trước đó, một chùm ca bệnh hô hấp với hàng chục học sinh mắc được ghi nhận tại hai trường học khác ở quận Bình Thạnh.

Cúm A/H1N1 là bệnh truyền nhiễm dễ dàng lây từ người sang người như các chủng cúm mùa thông thường khác. Tuy không nguy hiểm như cúm A/H5N1, cúm A/H7N9 nhưng cúm A/H1N1 cũng có thể gây bội nhiễm, viêm phổi nặng, thậm chí có thể gây suy đa tạng, tử vong ở một số người có bệnh mạn tính.

HCDC khuyến cáo, Thành phố Hồ Chí Minh đang vào mùa cao điểm của các bệnh đường hô hấp, dễ lây lan trong môi trường tập trung đông người. Do đó, các cơ sở giáo dục cần thực hiện quản lý học sinh bằng công tác điểm danh mỗi ngày.

Nếu phát hiện có học sinh bị bệnh truyền nhiễm hoặc ghi nhận trường hợp từ 2 học sinh cùng có vấn đề sức khỏe trong cùng một thời gian hoặc tăng bất thường số lượng học sinh bị bệnh, nhà trường cần báo ngay cho Trạm y tế và Trung tâm Y tế địa phương để có hướng xử lý kịp thời.

Đồng thời, khi có trường hợp học sinh nghỉ nhiều ngày liên tiếp mà không rõ lý do, giáo viên chủ nhiệm và nhà trường phải chủ động liên hệ phụ huynh để xác định có phải bị bệnh truyền nhiễm hay không.

Bên cạnh đó, khi đã phát hiện có chùm ca bệnh, nhà trường tiếp tục theo dõi tình hình học sinh nghỉ hoặc có triệu chứng mới hàng ngày tại trường (kể cả ngày nghỉ), cập nhật danh sách học sinh mắc bệnh theo triệu chứng, thời gian, lớp học và báo cáo về trạm y tế phường, xã theo quy định.

Trạm y tế hỗ trợ nhân viên y tế trường học khám, khai thác triệu chứng, tiền sử ăn uống, sinh hoạt của học sinh và phối hợp với trung tâm y tế giám sát, theo dõi tình hình dịch bệnh tại trường.

Nhà trường cần kết hợp với trạm y tế phường, xã tăng cường truyền thông về các bệnh truyền nhiễm như đặc điểm, cách nhận biết các dấu hiệu của bệnh và các biện pháp phòng, chống; cách xử lý, chăm sóc và theo dõi sức khỏe trẻ; vận động phụ huynh đưa con đi khám bệnh sớm khi có các triệu chứng nghi ngờ và phản hồi thông tin về nhà trường để quản lý, theo dõi.

Phụ huynh chủ động cho con đi tiêm phòng các bệnh đã có vaccine như cúm, thủy đậu, quai bị… bởi tiêm vaccine là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc và tỷ lệ bệnh nặng do bệnh truyền nhiễm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục