TP.HCM: Sớm khắc phục tình trạng nhà dân bị sụt lún do robot đào cống

Trong quá trình thi công, nhà thầu đã sử dụng robot khoan ở độ sâu cách mặt đường hơn 10m nhằm đấu nối hệ thống thoát nước gây rung chấn, tạo biến động trong lòng đất, gây sụt lún đường và nhà dân.
Một nhà dân bị nứt tường do hoạt động của robot đào cống dưới lòng đất. (Nguồn: Tiền phong)

Sau sự việc 15 hộ dân ngụ đường số 18, phường An Khánh, thành phố Thủ Đức phản ánh nhà có dấu hiệu bị nứt tường, sụt lún do một công trình thi công hệ thống thu gom nước thải dùng robot đào cống thoát nước mưa ngầm dưới lòng đất, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh đã cùng chủ đầu tư kiểm tra, tìm hiểu tình hình và lên phương án khắc phục cho người dân.

Ông Trần Như Quốc Bảo, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thời gian gần đây, trên đường số 18 có thi công đào cống ngầm liên quan đến công trình thu gom nước thải, thuộc Dự án Vệ sinh Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2, do Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Đô thị Thành phố làm chủ đầu tư.

Nhà thầu chính là liên doanh Công ty Cổ phần Xây dựng Đê kè-Phát triển Nông thôn Hải Dương và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Kỹ thuật Điện-Xây dựng Ban Hin thi công.

Sau khi nắm bắt sự việc người dân phản ánh công trình thi công gây lún, nứt nhà dân, chủ đầu tư đã đến kiểm tra, ghi nhận tình hình.

Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Đô thị Thành phố cùng đại diện Ủy ban Nhân dân phường An Khánh, nhà thầu thi công và các hộ dân trong phạm vi bị ảnh hưởng cũng đã tổ chức họp.

Tại đây, phía nhà thầu cho biết trong quá trình thi công, nhà thầu đã sử dụng robot khoan ở độ sâu cách mặt đường hơn 10m nhằm đấu nối hệ thống thoát nước từ đường Lương Định Của với đường Trần Não.

Hoạt động của máy khoan tạo ra sự rung chấn cho nền đất khu vực, tạo biến động trong lòng đất, gây sụt lún đường và nhà dân. Bên cạnh đó khu vực này nền đất yếu nên dễ bị sụt lún.

Sau cuộc họp, Ủy ban Nhân dân phường An Khánh, thành phố Thủ Đức yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu thi công phải cung cấp hồ sơ pháp lý liên quan đến việc thi công công trình này.

[Thanh Hóa: Chậm đền bù nhiều hộ dân bị ảnh hưởng do thi công cao tốc]

Về phía chủ đầu tư, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị đơn vị thi công theo dõi, quan trắc những điểm nứt gãy trên đường; đồng thời thống kê mức độ ảnh hưởng đối với từng công trình xây dựng, mặt đường, cống, nhà dân bị ảnh hưởng nhằm có biện pháp khắc phục triệt để, đảm bảo an toàn cho công trình cũng như người dân trong khu vực.

Nếu nhà nào bị hư hại nặng, nguy hiểm thì bố trí nơi ở tạm cho người dân trong thời gian chờ đợi phương án khắc phục. 

Vài ngày trước, nhiều hộ dân ngụ đường số 18, phường An Khánh, thành phố Thủ Đức cảm thấy nhà có hiện tượng rung lên vào buổi đêm và sau đó phát hiện cổng, cửa bị tụt xuống, trong nhà xuất hiện nhiều vết nứt, tường bị sụt lún...

Những vết rạn chạy dọc bờ tường có xu hướng lan rộng theo thời gian, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người dân. Ban đầu người dân nghi ngờ xảy ra động đất nên đã báo chính quyền địa phương.

Sau khi nhận tin báo từ người dân, Ủy ban Nhân dân phường An Khánh, thành phố Thủ Đức cử cán bộ xuống kiểm tra, phát hiện công trình gần đó dùng robot đào hầm dưới lòng đất xuyên qua đường 18.

Người dân cho biết không được thông báo trước về việc đào đường của đơn vị thi công./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục