Cứ sau mỗi cuộc bầu cử tổng thống, xã hội Mỹ lại bị xé toang với những vết rạn nứt sâu sắc.
Nước Mỹ với cuộc bầu cử vừa khép lại cũng vậy, và có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử bầu cử, nước Mỹ phải chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc như thế khi làn sóng biểu tình dâng cao tại nhiều thành phố lớn trên khắp cả nước, phản đối Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Đó cũng là lý do trong các bài phát biểu của mình sau bầu cử, hai nhân vật chính của cuộc đua vào Nhà Trắng đều phát đi thông điệp về tinh thần đoàn kết vì một nước Mỹ hùng mạnh.
Trong bài phát biểu đầu tiên sau khi đắc cử Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, ông Trump đã đề cao ý nghĩa của tinh thần đoàn kết, coi đây là yếu tố quan trọng để hàn gắn những rạn nứt, và chung sức đưa nước Mỹ vĩ đại như xưa, đúng như khẩu hiệu của ông trong suốt chiến dịch vận động tranh cử vừa qua.
Trong khi đó, cũng trong bài phát biểu đầu tiên với những người ủng hộ sau thất bại, bà Hillary Clinton chia sẻ tâm trạng đau buồn với những người đã sát cánh bên bà.
Nhưng mạnh mẽ hơn, bà bày tỏ hy vọng người dân biết chấp nhận thực tại để hướng tới tương lai thông qua việc "mở lòng" với Tổng thống đắc cử Trump và cho nhà lãnh đạo mới của nước Mỹ một cơ hội.
Sau ngày định mệnh, từ chỗ ở hai bên chiến tuyến, hai ứng cử viên đã dành cho nhau những lời có cánh với các cam kết, hứa hẹn hợp tác... đã trở thành một công thức chung cho mọi kỳ bầu cử tổng thống tại Mỹ.
Năm nay cũng không phải là một ngoại lệ. Nhưng sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu như Tổng thống đắc cử Trump là một chính trị gia truyền thống và sau bầu cử không phải là các cuộc biểu tình phản đối rầm rộ trên cả nước.
Trong tình huống này, những lời có cánh không chỉ còn mang tính hình thức khuôn mẫu mà nó đòi hỏi nhiều hơn sự thực chất, nhiều hơn trách nhiệm.
Rõ ràng, nước Mỹ mà ông Trump sẽ lãnh đạo khác hẳn trước đây. Đó là một quốc gia bị chia rẽ sâu sắc, và bất cứ mâu thuẫn nhỏ nào cũng có thể thổi bùng "ngọn lửa" tranh cãi gây bất ổn xã hội.
Ông Trump đã hưởng lợi từ tình trạng chia rẽ của nước Mỹ để giành chiến thắng và giờ đây, ông lại phải hàn gắn nó bằng chính sách đối nội, đối ngoại và những công cụ hành pháp. Đó là một nghịch lý, tương tự như nghịch lý sức mạnh Mỹ mà giới nghiên cứu bấy lâu nay từng đề cập đến.
Đắc cử tổng thống, ông Trump cũng đồng thời nhận về những trọng trách lớn lao của một người thuyền trưởng chèo lái con tàu nước Mỹ giữa những thách thức không nhỏ trong nước và quốc tế.
Nhưng với ông, mọi việc sẽ khó khăn hơn nhiều khi không chỉ có một nửa người dân nước Mỹ không hoặc chưa sẵn sàng chấp nhận ông, mà ngay cả trong chính giới, đặc biệt chính trong nội bộ đảng Cộng hòa, cũng không phải dành cho ông sự ủng hộ tuyệt đối. Khi lòng dân và chính giới chia rẽ, thách thức càng nặng nề hơn và đòi hỏi nhiều hơn trách nhiệm của người đứng đầu.
Tuy nhiên, thách thức và khó khăn cũng chính là cơ hội để Tổng thống đắc cử Trump khẳng định ông là sự lựa chọn đúng đắn của những người đã bỏ phiếu ủng hộ và từ đó có thể thuyết phục những người còn lại.
Ông đắc cử khi đã đánh trúng tâm lý của cử tri mong muốn có một sự thay đổi, một luồng gió mới sau 8 năm đất nước dưới sự lãnh đạo của đảng Dân chủ.
Nhiều cử tri bỏ phiếu cho ông không phải vì họ thích ông, cũng không phải vì họ tin vào cương lĩnh tranh cử của ông. Điều đơn giản là họ muốn có sự thay đổi.
Câu hỏi đặt ra lúc này là Tổng thống đắc cử Trump sẽ thực hiện những thay đổi đó như thế nào. Và liệu những thay đổi đó có đúng như kỳ vọng của cử tri - những người đã đặt cược niềm tin của mình vào ông hay không?
Ở đây không chỉ đơn thuần là câu chuyện về trách nhiệm của một cá nhân lãnh đạo đất nước, mà còn là trách nhiệm chung của cả một cỗ máy chính trị đang vận hành nước Mỹ.
Điều đó đòi hỏi sự gắn kết từ thượng tầng kiến trúc - giới tinh hoa chính trị tại Washington, những ông nghị ở Đồi Capitol, cả những nhân vật hậu trường đầy quyền lực... đồng thời thể hiện điều đó qua những hành động thực tế, chứ không chỉ dừng lại ở những lời nói hoa mỹ hay những phát ngôn gây sốc để lấy lòng người dân./.