Trải lòng của một thợ xăm và bài kiểm tra sống còn cho kẻ học việc

Run tay, hồi hộp, căng thẳng, những đơn hàng đầu đời của thợ xăm học việc đối với họ như bài kiểm tra sống còn để bước chân vào thế giới này.
Trải lòng của một thợ xăm và bài kiểm tra sống còn cho kẻ học việc ảnh 1Quãng đường từ “học việc” để thành một thợ xăm chuyên nghiệp thật sự không hề dễ dàng. (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)

Trong xã hội hiện nay, nghề xăm càng ngày càng được công nhận, thậm chí trọng vọng. Chính vỉ vậy, nhiều người trẻ đã không chần chừ, quyết định “tầm sư học đạo” để theo đuổi nghề này. Tuy nhiên, quãng đường từ “học việc” để thành một thợ xăm chuyên nghiệp thật sự không hề dễ dàng.

Khi thợ xăm “đứng lớp”

Tiếng rì rì từ chiếc máy xăm như thông báo điểm dừng chân của chúng tôi hôm nay. Phòng xăm Electric Tattoo của Nguyễn Đức Hoàng (25 tuổi, Hà Nội) - người có nghệ danh là Sói, một thợ xăm đang khá đắt khách - nằm lặng lẽ ở một căn hộ chung cư trên đường Thành Thái (Cầu Giấy, Hà Nội).

Trong căn phòng chừng 20m​2 ngổn ngang những bàn ghế, chai lọ, máy móc, tranh ảnh, Hoàng đang hoàn thiện một phần quan trọng cho hình xăm lớn sau lưng của khách. Cứ chạy hình được một lúc, anh lại quay sang cậu học trò ngồi kế bên, vẻ mặt đăm chiêu, lo lắng.

Ngồi tỉ mẩn một góc phòng, Cường, học trò của Hoàng, đang tỉ mẩn với một trong những “đơn hàng” đầu đời. Ánh đèn led trắng rọi vào Cường, thấy rõ đôi giọt mồ hôi lấm tấm trên gò má. Tôi im lặng quan sát chàng thợ xăm “học việc,” nét nghiêm nghị, chăm chú nom có gì đó hơi khập khiễng với khuôn mặt thư sinh, măng sữa của cậu.

Hoàng ra hiệu cho tôi đứng dịch về phía anh, để tránh làm phân tán tư tưởng của cậu học trò. Ngơi tay sau 6 tiếng làm việc liên tục, Sói kể: “Em theo nghề này cũng được 4 năm, thoạt đầu cũng chỉ tính làm thôi, nhưng sau bắt đầu có vài người đến hỏi học nghề, nghĩ kiếm thêm cũng tốt nên em bắt đầu nhận học trò.”

Nói đoạn, ông thầy hất hàm về phía cậu học trò, hỏi trêu: “Cường là gà thứ mấy của anh nhỉ?”

Mải đăm chiêu với sản phẩm, cậu học trò giơ 4 ngón tay đeo găng đầy mực lên như ra hiệu câu trả lời.

Hoàng tâm sự: “Truyền đạt kiến thức cho học viên là một chuyện nhưng để truyền tải được cảm hứng và cảm xúc trong mỗi tác phẩm lại là một chuyện khác, ngay từ những bước cơ bản như thế nào, cũng đều phải nắm thật chắc, khi có cơ bản rồi, theo phong cách nào là ở mỗi người”.

Trải lòng của một thợ xăm và bài kiểm tra sống còn cho kẻ học việc ảnh 2Nguyễn Đức Hoàng, chủ phòng xăm Electric Tattoo (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)

Theo lời chàng thợ xăm này, chúng tôi được biết, giá thành cho mỗi khóa học đã bao gồm cả mực xăm, máy móc hay da giả để thực hành lên tới cả chục triệu đồng. Thậm chí, tùy vào thời gian, vào thầy dạy hay nhiều yếu tố khác, giá cho một khóa học nghề xăm có thể cao hơn rất nhiều.

Với những người mới theo học, việc đầu tiên họ cần phải trải qua đó chính là những bước vẽ tay cơ bản quan trọng, sau khi đã chắc kỹ năng vẽ, họ sẽ phải học cách đi nét, tô cho đều tay trên các hình có sẵn, học cách phối màu, sử dụng máy xăm trên da giả. Bước tiếp theo là thực nghiệm với máy trên cơ thể người. Từ đây, độ phức tạp của các hình vẽ càng được nâng lên.

Quan sát vị khách của mình đã giải lao xong, Hoàng quay trở lại với công việc, không quên ngó sang xem sản phẩm của cậu học trò.

“Nét vừa xong hơi lỏng tay đấy, đi cho chắc vào nhé”.

Vừa làm cho khách, Hoàng vừa dốc bầu tâm sự: “Nhưng không phải cứ có tiền là được chị ạ, còn nhiều thứ khác nữa, tố chất, quyết tâm, tập trung, em chẳng giấu, có người em dạy được một thời gian, lười quá em cũng chịu, phải thôi. Tiền thì có thể mất chút, nhưng còn đỡ hơn mất thời gian, mất việc của mình”.

Đi xong một nét khó, Hoàng nhướn vai, quay sang tôi: “Cả mất hứng nữa”.

Đơn hàng đầu đời

Chờ Cường xăm xong phần khung cho khách, chúng tôi mới có cơ hội để hỏi chuyện người học việc này.

Cồ Năng Cường sinh năm 1997 tại Nam Định, học chuyên ngành Mỹ thuật, trong một lần rất tình cờ, chàng trai trẻ này bị những hình xăm “hút hồn,” và rất nhanh chóng, Cường quyết định theo đuổi nghiệp này.

Được bạn bè giới thiệu “thầy” Hoàng, Cường khăn gói sang “tầm sư học đạo” đã được 6 tháng.

Một ngày học việc của Cường bắt đầu sớm hơn ông thầy của mình, trong khi Hoàng vẫn ngủ trên ghế sau khi xăm hình xuyên đêm cho khách, học trò của anh đã đến phòng xăm, dọn máy móc, lau sạch bàn ghế, xếp gọn các dụng cụ xăm theo thứ tự.

Mọi thứ đã tinh tươm, Cường scan những hình xăm mẫu trên mạng ra giấy, ngồi tô nét. Khi đã chắc tay hơn, chàng thợ học việc có thể bắt tay vào thực nghiệm trên miếng da giả bằng máy xăm chuyên nghiệp.

Trải lòng của một thợ xăm và bài kiểm tra sống còn cho kẻ học việc ảnh 3Cường chăm chú với hình xăm thuộc loại khá khó đối với cánh học việc. (Ảnh: Thái Sương/Vietnam+)

Cường chia sẻ, do có sẵn chút tố chất vẽ vời, cộng với tính chịu khó, cậu nhanh chóng được thầy tin tưởng giao cho những khách hàng đầu tiên.

Nhắc tới đơn hàng đầu đời của mình, nét mặt của Cường hơi trĩu xuống.

“Hình đầu tiên cũng nhỏ, không phải khó quá, nhưng do khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành khác xa nhau, mình bị sợ và run tay nên hình không được đẹp và chân thực.”

Kiếm được những đơn hàng đầu tiên, đối với những thợ xăm học việc là điều vô cùng khó khăn, bởi rất khó để khách hàng tin tưởng giao phó hình vẽ ăn vào da thịt mình cho những người non nghề. Các thợ học việc, hoặc phải nhờ tới mối quen của thầy, hoặc phải nhờ vả, chịu xăm không công cho những người bạn.

Cường cho biết, hình xăm đơn hàng đầu đời như thể bài test cuối cùng, khó khăn nhất, áp lực nhất để bắt đầu bước chân vào thế giới ​tattoo.

Chàng trai trẻ mô tả, tiếng máy xăm rì rì trở nên inh tai hơn bao giờ hết, phần da thợ xăm chuẩn bị chạm mũi kim vào không còn là miếng da giả nữa, những vệt máu nhỏ ra từ mỗi nét mực như cảnh báo, rằng xăm mình vốn không phải là nghề dành cho người yếu bóng vía.

Nhưng rồi Cường cũng vượt qua được, như bao thợ xăm khác. Theo chàng thợ xăm chưa đầy 20 tuổi này, tuy không hài lòng lắm với sản phẩm đầu tay, nhưng với những đơn hàng sau, Cường đã tự tin hơn hẳn. Những cảm giác lo lắng, thiếu tự tin gần như biến mất, để lại sự tập trung, tỉ mẩn và đam mê.

Giống như ông thầy của mình, đến lúc này, Cường chỉ chờ xem những hình xăm khó đến mức nào sẽ tới tay mình, thậm chí nom sang một anh thợ học việc cùng lứa, thấy họ chạy nhanh hơn là không chịu được, phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Theo thầy Hoàng, sự “háo hức có phần hung hăng” này nên có ở mỗi kẻ học việc, nếu muốn tiến xa hơn trong nghiệp này.

Chúng tôi chào tạm biệt hai thầy trò Hoàng-Cường sau một buổi nói chuyện thú vị. Thế giới xăm mình trở nên muôn màu hơn, một phần cũng nhờ vào sự lóng ngóng, háo thắng của mấy thợ xăm học việc, những người trẻ vượt qua nhiều khó khăn để theo đuổi cái nghề “vừa làm vừa nghệ,” vốn gây không ít tranh cãi trong xã hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục