Trải nghiệm đặc biệt khi đầu máy hơi nước 1960 của Việt Nam “trở lại đường ray”

Theo báo Mỹ, du khách đam mê xe lửa sẽ "sớm có một điểm đến mới để ghé thăm" khi Việt Nam chuẩn bị ra mắt cặp đầu máy hơi nước cổ điển được tân trang lại từ những năm 1960, nối Đà Nẵng và Cố đô Huế.

Phác họa nội thất của toa xe lửa Revolution Express. (Nguồn: Wafaifo & Revolution Express/CNN)
Phác họa nội thất của toa xe lửa Revolution Express. (Nguồn: Wafaifo & Revolution Express/CNN)

“Những người đam mê xe lửa cũng như những ai yêu thích lịch sử sẽ sớm có một điểm đến mới ở Đông Nam Á để ghé thăm, khi Việt Nam chuẩn bị ra mắt cặp đầu máy hơi nước cổ điển được tân trang lại từ những năm 1960.”

Đó là dòng mở đầu của bài viết được đăng tải trong chuyên mục Travel (Du lịch) trên trang tin CNN, tối 26/5 (giờ địa phương).

Theo hãng tin Mỹ, thương hiệu khách sạn Wafaifo Optimizers - đơn vị quản lý dự án - cho biết hai đầu máy xe lửa Revolution Express là những cỗ máy tàu hỏa hơi nước cuối cùng còn hoạt động ở Việt Nam. Hai đầu máy này có “niên đại” từ thời Pháp thuộc.

Trong những năm gần đây, các đoàn tàu này đã dần được khôi phục lại tình trạng hoạt động bằng cách sử dụng các bộ phận nguyên bản được chế tạo bởi những kỹ sư hơi nước cuối cùng còn làm việc cho hệ thống đường sắt quốc gia.

Hiện tại, các chuyến tàu gần như đã sẵn sàng để đón du khách, với những chuyến đi đầu tiên dự kiến sẽ khởi hành vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.

Trong thông cáo báo chí, Wafaifo Optimizers cho biết họ vẫn chưa bán vé và chưa có thông tin chi tiết về giá vé tàu, nhưng thông tin đặt chỗ sẽ có trong vài tháng tới.

Wafaifo cho biết các chuyến tàu sẽ nối thành phố miền Trung Đà Nẵng - nơi nổi tiếng với những khu nghỉ mát bãi biển ven biển, và Cố đô Huế - vùng đất được biết đến với “nhiều cung điện và lăng tẩm hoàng gia tinh xảo.”

Mỗi đoàn tàu sẽ có hai toa theo phong cách cổ điển dành cho hành khách, một toa bếp và một toa hành lý. Các bản phác thảo cho thấy đồ nội thất sang trọng, gợi nhớ về quá khứ thời Pháp thuộc trên các đoàn tàu - với bàn ghế bằng gỗ gụ, những điểm nhấn bằng vàng và đồ ốp lát trang trí.

Cửa sổ lớn ở tất cả các hướng sẽ mang đến cho du khách tầm nhìn bao quát cảnh quan trên đường đi khi tàu chạy ngang qua đèo Hải Vân - con đèo nổi tiếng với những cung đường núi xanh ngát nhấp nhô nhìn ra mặt biển bao la, và làng Lăng Cô - nơi nổi danh với cộng đồng ngư dân và hải sản.

Theo CNN, “không chỉ có cách trang trí gợi nhớ về ‘thời xưa’ của Việt Nam.”

Thông cáo báo chí cho biết trên tàu sẽ có cả những nhân viên mặc “trang phục cổ xưa” và một ban nhạc kèn đồng trong trang phục quân đội để chào đón những vị khách lên tàu.

Mỗi nhà ga dọc tuyến đường sẽ có một nhà hàng theo chủ đề phù hợp, bao gồm một nhà hàng ở Huế với chủ đề cung đình theo lịch sử hoàng gia và một nhà hàng có chủ đề riêng ở khu vực Lăng Cô.

Michael Gebbie, Chủ tịch Công ty Dịch vụ Du lịch Đường sắt Đông Dương, cho biết: "Chúng tôi hy vọng sẽ mang những dấu ấn xưa cũ của hệ thống đường sắt trở lại, làm sống lại những giai đoạn quan trọng trong lịch sử Việt Nam từ thời đế quốc đến thời thuộc địa, và cuối cùng là cuộc đấu tranh giành độc lập."

Trong lời kết, CNN nhấn mạnh nhiều điểm đến du lịch của Việt Nam, trong đó có Cố đô Huế, đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới./.

deo hai van.png
Cung đường trên đèo Hải Vân uốn lượn như những dải lụa vắt ngang sườn núi. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục