Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ "vào chợ," khẳng định vai trò dẫn vốn

Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ ra đời nhằm nâng cao chất lượng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp dưới sự quản lý hiệu quả của cơ quan Nhà nước.
Lễ Khai trương Hệ thống giao dịch Trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, ngày 19/7. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Lễ Khai trương Hệ thống giao dịch Trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, ngày 19/7. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ lành mạnh, minh bạch và bền vững góp phần tạo ra một nền tài chính đa dạng, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn trung và dài hạn, giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào kênh tín dụng ngân hàng là mục tiêu được Chính phủ, Bộ Tài chính đề ra và các cơ quan quản lý, đơn vị, tổ chức liên quan quyết tâm triển khai thực hiện.

Đây là nội dung được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định tại Lễ Khai trương Hệ thống giao dịch Trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, ngày 19/7.

Bốn giải pháp cơ bản

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, để nâng cao chất lượng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cần ưu tiên phát triển các thị trường tập trung có sự quản lý hiệu quả của cơ quan Nhà nước. Do đó, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ ra đời là rất cần thiết. Hệ thống này đi vào hoạt động kỳ vọng sẽ giúp tăng thanh khoản thị trường đồng thời giúp cơ quan quản lý, thành viên thị trường, nhà đầu tư có thêm thông tin về thị trường từ sơ cấp đến thức cấp. Đây là cơ sở để các chính sách về quản lý, phát triển thị trường cũng như quyết định đầu tư đưa ra sẽ phù hợp hơn.

[98 tổ chức chậm trả TPDN với tổng giá trị lên trên 128 nghìn tỷ đồng]

Nhấn mạnh Nhà nước chỉ tham gia với vai trò tạo điều kiện về cơ chế chính sách, tổ chức thị trường để hỗ trợ các bên thực hiện đúng các cam kết của mình, vị tư lệnh ngành Tài chính yêu cầu các đơn vị của bộ, đặc biệt là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cấp có liên quan cần tập trung vào một số mục tiêu.

Cụ thể, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp từng bước trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng xây dựng và phát triển thị trường phù hợp với mức độ phát triển của nền kinh tế, tiếp cận với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Từ đó, mở rộng và kết nối với thị trường khu vực và quốc tế.

Đặc biệt là nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường, thúc đẩy tăng cường quản trị và công khai thông tin doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, đảm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường.

Để thực hiện những mục tiêu trên, ứng dụng công nghệ trên thị trường cần được thúc đẩy từ công tác tổ chức hoạt động và cung cấp dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của tổ chức, cá nhân tham gia thị trường.

Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ "vào chợ," khẳng định vai trò dẫn vốn ảnh 1Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trên cơ sở các mục tiêu này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chỉ ra bốn nhóm giải pháp cơ bản. Một là tiếp tục công tác hoàn thiện thể chế chính sách, tổ chức thị trường hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, từ đó tiến hành cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Hai là tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, thông tin về tình hình thị trường, đào tạo kiến thức tài chính cho nhà đầu tư và tăng cường kiểm soát, xử lý việc đưa tin không chính thống, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thị trường. Ba là thúc đẩy hoạt động của các định chế trung gian và dịch vụ thị trường. Cuối cùng là tăng cường hoạt động giám sát nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu, bảo đảm tính công khai, minh bạch cho thị trường.

Khẳng định vai trò kênh dẫn vốn

Với vai trò là một kênh huy động vốn trung và dài hạn, quan trọng cho nền kinh tế, thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua đã từng bước phát triển mạnh mẽ. Theo đó, cấu trúc của thị trường không ngừng hoàn thiện, hình thành các khu vực thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho biết trong giai đoạn 2017-2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có sự phát triển rất mạnh mẽ. Tính đến thời điểm cuối năm 2022, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt 1,2 triệu tỷ đồng, tương đương với 12,7% GDP. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh huy động vốn ngày càng quan trọng cho các doanh nghiệp, góp phần từng bước phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tín dụng ngân hàng theo đúng chủ trương và định hướng của Đảng và Nhà nước.

Mục tiêu tăng cường quản lý hoạt động phát hành trái phiếu, nâng cao chất lượng phát hành đồng thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về phát hành, thanh toán, Chính phủ ban hành Nghị định 65 ngày 16/9/2002 và Nghị định 08 ngày 5/3/2023 về tổ chức thị trường thứ cấp tại Sở Giao dịch chứng khoán nhằm đảm bảo thúc đẩy phát triển bền vững, công khai, minh bạch.

Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ "vào chợ," khẳng định vai trò dẫn vốn ảnh 2Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay đến nay công tác chuẩn bị cần thiết cho sự ra đời của hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại HNX đã được hoàn tất. Các Sở giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán và ngân hàng thanh toán Vietcombank có trách nhiệm đảm bảo thị trường vận hành liên tục, ổn định và an toàn từ khâu đăng ký, lưu ký đến khâu giao dịch, thanh toán.

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), hệ thống đi vào hoạt động sẽ đưa khoảng 1.600 mã trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ lên giao dịch trên sàn thứ cấp.

Trước sự kiện này, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, Tổng Giám đốc FiinRatings đánh giá việc niêm yết tập trung trái phiếu doanh nghiệp là một bước tiến quan trọng cho sự phát triển của thị trường. Điều này sẽ giúp thị trường minh bạch hơn, đặc biệt là thông tin về tổ chức phát hành. Hiện, các trái phiếu lưu hành song thông tin về doanh nghiệp và tình hình tài chính phần lớn đã cũ. Cụ thể, thông tin chủ yếu có từ thời điểm công bố phương án phát hành và thực hiện phát hành. Trên thực tế, thông tin cập nhật về tổ chức phát hành là rất ít, do đó nhà đầu tư khó có thể cập nhật và đánh giá về năng lực thực hiện nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp.

Hơn nữa, việc niêm yết cũng góp phần quan trọng cho việc hình thành cơ chế định giá trái phiếu. Theo thông lệ quốc tế và chuẩn mực về quản trị rủi ro, giá trị thị trường của trái phiếu doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào chất lượng tín dụng, xếp hạng tín nhiệm, mức thanh khoản của trái phiếu. Điều này cũng góp phần tăng cơ sở ra quyết định cho nhà đầu tư tổ chức khi trái phiếu được định giá và khi niêm yết. Bới, đây là cơ sở hình thành đường cong lợi tức và làm tham chiếu định giá. Ngoài ra, việc này sẽ giúp cho công tác đánh giá hiệu quả của các quỹ trái phiếu minh bạch hơn và góp phần giảm rủi ro hoặc quá trình xác định giá cho giao dịch rút vốn của nhà đầu tư. Hệ thống giao dich sẽ hỗ trợ thanh khoản, tuy nhiên thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ không có thanh khoản cao về số lượng như thị trường chứng khoán

“Đằng sau việc niêm yết cũng là việc góp phần xác định rõ ràng chủ sở hữu trái phiếu được tập trung tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán, tránh những rủi ro tranh chấp và góp phần đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư,” ông Thuân nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục