“Vua” chép tranh là biệt danh mà giới buôn bán tranh ở Thành phố Hồ Chí Minh phong tặng cho họa sĩ Trần Anh Trụ bởi ông có khả năng chép hàng ngàn bức tranh giống y như thật.
Thậm chí nhiều người còn nhận xét rằng, có bức tranh ông chép còn sống động và có hồn hơn cả bản mẫu.
Họa sỹ Trần Anh Trụ sinh năm 1960 tại khu Lăng Cha Cả (Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) trong một gia đình nghèo có 8 anh em. Ông học hết lớp 10 rồi nghỉ để đi bán cà-rem phụ giúp gia đình.
Hàng ngày, ông đạp xe chở cà-rem đi bán trên từng con phố nhỏ của Sài Gòn. Mỗi buổi trưa vắng khách, ông lại tranh thủ đạp xe vòng qua những phòng tranh dọc đường, say sưa ngắm nhìn những bức tranh mình yêu thích và mơ ước trở thành một họa sĩ có tên tuổi.
Một lần may mắn, ông được ông chủ phòng tranh Á Châu (Quận Tân Bình) nhận dạy vẽ miễn phí vì sự hiếu học. Có “người đỡ đầu", Trần Anh Trụ siêng năng học hỏi, sáng đi bán cà-rem, trưa tranh thủ học vẽ chân dung bằng bút chì trên giấy canson, tối về say sưa vẽ lại chân dung những người thân qua ảnh. Chẳng bao lâu, ông khoe với cha mẹ những tác phẩm đầu đời của mình khiến mọi người hết sức bất ngờ.
Năm 1978, Trần Anh Trụ xin làm môn sinh tại phòng tranh của họa sĩ Nguyễn Hoa Tươi và nhanh chóng trở thành một tay vẽ tài hoa của phòng tranh này. Hai năm sau, ông xin vào làm công nhân tại Hợp tác xã Sơn mài Trường Mỹ. Sau 4 năm vừa làm việc vừa tự trau dồi nghề, ông quyết định nghỉ việc và ra mở phòng chép tranh vẽ chân dung cho riêng mình.
Đầu thập niên 90, thế kỷ XX, phong trào vẽ tranh sao chép nở rộ cả nước. Từ chuyên vẽ chân dung, ông chuyển sang sao chép tất cả thể loại tranh từ trường phái cổ điển đến ấn tượng, trừu tượng, siêu thực, lập thể…của những danh họa bậc thầy thế giới như: Leonardo da Vinci, Rubens, Goya Monet, Cézanne, Picasso, Gauguin, Matisse hay Van Gogh…
Ngoài ra, ông cũng chép các tác phẩm kinh điển của các danh họa Việt Nam như Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân… Những tác phẩm ấy nhanh chóng chiếm lĩnh được giới yêu tranh, có thời gian, một ngày ông nhận được cả trăm “bản hợp đồng” sao chép tranh trong và ngoài nước. Ông cho biết, khách nước ngoài mua tranh của mình phần lớn thông qua bạn bè, người thân ở Việt Nam.
Ông quan niệm, người chép tranh không phải là người “ăn trộm” tác quyền của một tác giả mà ngược lại, họ là những người quảng bá, đưa bức tranh ấy đến với người yêu tranh vì xưa nay chưa có họa sĩ nào sáng tác ra nhiều bức giống nhau cả.
Nhiều người thường đánh giá thấp những tác phẩm tranh sao chép của những người họa sĩ như ông vì ở đó không có sự sáng tạo. Nhưng kỳ thực, chép tranh phải biết cách pha màu để tạo màu sắc phù hợp, độ nổi, chiều sâu trong bức tranh sao cho hài hòa.
Với tranh sao chép chân dung, điều quan trọng nhất là phải thể hiện được cái hồn, cái thần thái trên khuôn mặt và đôi mắt của nhân vật trong bản mẫu. Với tranh phong cảnh, cần tính được bố cục và tỷ lệ phóng thì khi thể hiện mới cân đối và sống động như thật. Mỗi bức ông chép mất từ 4 ngày đến 1 tuần, cũng có những bức ông phải mất cả tháng mới hoàn thành.
Một số tác phẩm tranh chép của “Vua chép tranh” Trần Anh Trụ ở Thành phố Hồ Chí Minh:
Hàng ngày, ông vừa vẽ, vừa chỉ bảo tận tình từng nét cọ, màu sơn cho hơn 10 học trò. Tính đến nay, ông không nhớ rõ mình đã sao chép được bao nhiêu bức tranh, học trò của mình đã có bao nhiêu lớp thành tài và ra làm riêng.
Chỉ biết rằng, từ số “nhân lực” ông đào tạo đã và đang hình thành thị trường buôn bán tranh sao chép sôi động trên các con phố của Thành phố Hồ Chí Minh như: Đồng Khởi, Mạc Thị Bưởi, Ngô Đức Kế, Nam Kỳ Khởi Nghĩa…
Cái nghệ danh “vua chép tranh” ở Thành phố Hồ Chí Minh của ông cũng vì thế mà sinh ra. Nói về điều này, ông chỉ cười và bảo: “Để thành nghề và chép được tranh, chỉ cần chăm chỉ khổ luyện với niềm đam mê hội họa mãnh liệt thì ai cũng có thể làm được…”/.