Trang giả mạo lừa nhà quảng cáo ăn cắp cả triệu USD mỗi ngày

Theo tờ New York Times, các đối tượng lừa đảo trên mạng từ Nga đang ăn cắp hàng triệu USD mỗi ngày từ những trang mạng giả mạo.

Theo tờ New York Times, các đối tượng lừa đảo trên mạng từ Nga đang ăn cắp hàng triệu USD mỗi ngày từ những trang mạng giả mạo.

Dẫn thông tin từ các chuyên gia an ninh mạng, tờ New York Times cho biết một nhóm lừa đảo trên mạng có nguồn gốc từ Nga đã ngụy tạo ra hơn nửa triệu người sử dụng Internet và 250.000 trang web giả mạo để lừa các nhà quảng cáo trả cho chúng số tiền lên đến 5 triệu USD mỗi ngày cho các video quảng cáo trên thực tế không bao giờ có người xem.

Các gian lận này bắt đầu vào tháng Chín và vẫn đang diễn ra. Chúng cho thấy mức độ lừa đảo tinh vi mới của những tên tội phạm mạng.

Theo các chuyên gia an ninh mạng của hãng an ninh mạng White Ops, các đối tượng lừa đảo trên mạng đã sử dụng chương trình máy tính trí tuệ nhân tạo giả vờ là người dùng Internet để lừa các nhà quảng cáo. Hãng an ninh mạng này chính là nơi đã công bố và cung cấp những thông tin trên cho New York Times.

Cụ thể, chúng sử dụng chương trình có tên gọi Methbot.  

Đầu tiên, thông qua Methbot, các tên lừa đảo sử dụng những địa chỉ internet số mà chúng kiểm soát và đăng ký tên của các nhà cung cấp dịch vụ Internet nổi tiếng như Comcast, AT & T và Cox.

Sau đó, chúng gắn các địa chỉ này với 571.904 bot (chương trình trả lời tự động) được thiết kế để bắt chước con người lướt web.

Nhúng trong trình duyệt web của chương trình là vị trí địa lý giả mạo, một lịch sử truy cập giả các trang web đã đến thăm và đăng nhập giả mạo với các mạng xã hội như Facebook.

"Các bot sẽ bắt đầu và dừng video như con người làm và di chuyển con chuột và nhấp vào," ông Michael Tiffany, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành hãng an ninh mạng White Ops nhấn mạnh.

Những tên ​lừa đảo đã kết nối các bot đến các mạng quảng cáo tự động, bán không gian quảng cáo chưa bán cho hàng ngàn trang web.

Một bot sẽ giả vờ đến thăm một trang web như CNN.com, và các mạng quảng cáo sẽ tiến hành một cuộc chiến đấu thầu nhỏ để giành quyền hiển thị quảng cáo video của một nhãn hiệu. Nhưng thay vì đi đến trang CNN thực, trình duyệt web của bot sẽ đi đến một trang web giả mạo mà không ai có thể nhìn thấy, và quảng cáo sẽ chạy ở đó.

Cuối cùng, hệ thống sẽ báo cáo dữ liệu giả mạo với các mạng quảng cáo và nhà quảng cáo để thuyết phục họ rằng người dùng đã xem quảng cáo trên các trang web thật.

"Nó sẽ gửi trở lại đúng loại số liệu để trông giống như khán giả thực sự đã đăng nhập vào Facebook và xem video cả ngày," ông Tiffany nói. Những tên lừa đảo sau đó sẽ thu tiền quảng cáo.

 

"Kẻ thù của chúng ta đang sở hữu một cấp độ gian lận hoàn toàn mới để gian lận quảng cáo," ông Tiffany nhấn mạnh. 

Theo White Ops, những kẻ lừa đảo trên mạng đã mạo nhận hơn 6.100 tin tức và nội dung của các hãng tin, ăn cắp doanh thu quảng cáo mà các nhà quảng cáo có ý định chạy nội dung trên các trang web bị giả mạo.

Những kẻ lừa đảo trên mạng đã khai thác các lỗ hổng trong hệ thống quảng cáo kỹ thuật số bao gồm cả việc thiếu một phương pháp đáng tin cậy nhất để theo dõi quảng cáo.

Nạn nhân của những trang mạng giả mạo gồm nhiều trang web của các hãng tin lớn như Fox News, CBS Sports, New York Times và Nhật báo phố Wall đến cả những nền tảng nội dung lớn như Facebook và Yahoo, các trang web như Allrecipes. com và AccuWeather cũng như các trang mạng của nhiều tổ chức ở nhiều nước.

Ông Tiffany cho biết các chuyên gia an ninh mạng của công ty ông không tìm thấy bằng chứng về sự liên quan giữa các nhóm lừa đảo trên mạng với những vụ hack mạng dữ liệu mang động cơ chính trị mà cơ quan tình báo Mỹ và Tổng thống Obama cáo buộc chúng có mối liên hệ với Chính phủ Nga./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục