Trang mạng prnewswire.com ngày 22/6 đăng bài phân tích có dẫn báo cáo của công ty tư vấn quản lý Ken Research cho rằng việc chính phủ Việt Nam thực hiện các chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp đã góp phần nâng cao mức độ cơ giới hóa trong ngành nông nghiệp.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy trong năm 2020, mức độ cơ giới hóa trong ngành nông nghiệp Việt Nam đang tăng lên ở các khâu trước và sau thu hoạch.
Cụ thể, tỷ lệ cơ giới hóa ở khâu làm đất đạt 94%; gieo cấy 42%, chăm sóc gieo trồng 77% và thu hoạch lúa 65%.
So với năm 2011, số lượng máy kéo trên cả nước năm 2019 tăng khoảng 48%, máy gặt đập liên hợp tăng 79% và máy sấy nông sản tăng 29%. Công suất sẵn có của trang trại đạt khoảng 2,4 HP/ha canh tác.
Do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, hầu hết nông dân đang chuyển sang lĩnh vực xây dựng và dịch vụ với hy vọng kiếm thêm thu nhập nên đã dẫn đến tình trạng thiếu lao động nông nghiệp. Đây là động lực chính cho việc cơ giới hóa trong nông nghiệp.
[Phát triển nông nghiệp Việt Nam theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế]
Sự chuyển dịch cơ cấu ngành nghề từ nông nghiệp sang các ngành khác đang diễn ra nhanh chóng ở 4 vùng: Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.
Nhu cầu máy móc nông nghiệp đã giảm trong đại dịch COVID-19 do sản lượng nông nghiệp thấp, các đại lý và cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa trong thời gian phong tỏa cũng như do nông dân trì hoãn mua máy móc nông nghiệp vì thu nhập giảm sút.
Trong khi đó, các công ty thiết bị máy nông nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền do hầu hết các mặt hàng nhập khẩu bị cấm và các công ty sản xuất và lắp ráp trong nước đã ngừng hoạt động.
Đầu năm 2020, nhu cầu máy móc ở Việt Nam vẫn ở mức thấp, nhưng đã tăng lên trong nửa cuối năm 2020 khi lệnh phong tỏa được nới lỏng và dự kiến năm 2021 sẽ phục hồi chậm.
Các nhà phân tích thuộc công ty Ken Research nhận định rằng Việt Nam là một thị trường máy móc nông nghiệp đang phát triển ở Đông Nam Á và đang phục hồi chậm sau đại dịch COVID-9.
Khả năng cung cấp tín dụng ngày càng tăng trong nước cùng với việc miễn thuế đang thúc đẩy ngành này tăng trưởng.
Tăng cường tập trung vào các hoạt động quảng bá và tiếp thị, ra mắt sản phẩm mới, quan hệ đối tác và hợp tác được kỳ vọng sẽ thúc đẩy ngành này trong tương lai.
Căn cứ trên doanh thu bán hàng trong giai đoạn 2020-2025, thị trường máy nông nghiệp Việt Nam dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) là 6,4%./.