Tránh bẫy thu nhập trung bình dựa vào nền kinh tế tri thức

Mặc dù chưa vướng vào "bẫy thu nhập trung bình," song giới chuyên gia cảnh báo, để tránh "bẫy" Việt Nam cần phải thay đổi tư duy về chính sách đồng thời xây dựng một nền kinh tế tri thức đề cao năng suất lao động.

Ngày 15/4, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo “Tránh bẫy thu nhập trung bình ở Việt Nam,” nhằm tìm ra các luận cứ khoa học phục vụ công tác tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc đề ra các chủ trương, đường lối để tránh "bẫy."

Ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, trạng thái "bẫy thu nhập trung bình” là tình huống mang tính “tiến thoái lưỡng nan” trong xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, có khả năng làm giảm hiệu quả của các nỗ lực phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Cảnh báo… không thừa

Theo Ngân hàng Thế giới, tính đến năm 2010, trong tổng số 52 nền kinh tế có mức thu nhập trung bình trên toàn thế giới thì 35 nền kinh tế đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình và chỉ có 13 nền kinh tế vượt qua bẫy để trở thành nước có thu nhập cao, điển hình có 5 nền kinh tế thuộc châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong và Đài Loan (Trung Quốc)

“Thực tế đã có không ít quốc gia gặp phải tình trạng này và họ trở thành những tình huống cảnh báo đối với các quốc gia khác trong điều hành kinh tế,” ông Huệ nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, các nhà quản lý và chuyên gia kinh tế đầu ngành của Việt Nam đã có những cuộc trao đổi thẳng thắn và đa phần các ý kiến nhìn nhận Việt Nam vẫn đang là nước có thu nhập trung bình thấp và có cả một khoảng thời gian dài tới hai, ba thập kỷ nữa để thực hiện những cải cách để có thể thoát bẫy thu nhập trung bình.

Tiến sĩ, Lưu Bích Hồ khẳng định, “Việt Nam vào nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp được hơn một thập kỷ, do đó vẫn còn hàng chục năm để thoát "bẫy". Song phải thẳng thắng nhìn vào thực trạng, mặc dù chúng ta vẫn đang phát triển nhưng tăng trưởng với hiệu suất lao động thấp, hiệu quả rất kém, mà đây lại là các yếu tố trọng yếu để đưa một quốc ra vượt qua bẫy thu nhập trung bình,” ông Hồ nói.

Giáo sư Trần Thọ Đạt, Trường Kinh tế quốc dân nhấn mạnh, năm 2010, Việt Nam chính thức bước vào nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp với mức thu nhập bình quân đầu người là 1.068 USD, năm 2013 là 1.960 USD. Tuy nhiên, sau giai đoạn tăng trưởng cao (1991-2010) với GDP đạt từ 7,3%-7,6%, kinh tế Việt Nam đã giảm tốc GDP về mức 5,6% (2011-2013.)

Trong khi, tính toán từ Ngân hàng Thế giới chỉ ra, Việt Nam có thể tránh bẫy thu nhập trung bình nếu thu nhập bình quân đầu người duy trì tăng với tỷ lệ khoảng 6,1%/năm và trở thành nước có thu nhập trung bình cao tới năm 2024.

Đồng tình cho rằng Việt Nam chưa nằm trong bẫy thu nhập trung bình, song ông Đạt lên tiếng cảnh báo, từ năm 2008 đến nay là thời kỳ có nhiều xáo động về kinh tế vĩ mô, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới đã khiến Việt Nam không chỉ suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế mà đã bắt đầu bộc lộ rõ những yếu kém và bất ổn.

Có cái nhìn khác, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung không vội đề cập tới bẫy thu nhập trung bình, mà ông lại chỉ ra những vấn đề bức thiết và cần phải giải quyết ngay. Theo ông Cung, Việt Nam cần phải đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao, cần phải thực hiện các giải pháp mạnh tay để vượt qua những khó khăn hiện nay nhằm tạo nền tảng cho tăng trưởng sau này.

“Chúng ta ngày càng tụt hậu xa hơn về mức thu nhập bình quân đầu người so với các nước xung quanh. Bên cạnh, mức năng suất lao động của Việt Nam cũng ở mức thấp và bằng khoảng 12%-13% của Nhật, 30% của Thái Lan, 50% của Indonesia... Trong khi đó, một số động thái gần đây cho thấy việc thay đổi tư duy, nhấn mạnh tăng trưởng dịch vụ cao, song giảm tăng trưởng công nghiệp, điều này là rất nguy hiểm bởi nguy cơ đói nghèo có thể quay lại,” ông Cung khuyến cáo.

Lấp “khoảng trống” lợi thế so sánh

Theo giới học giả phân tích, một số nước sau khi đạt mức thu nhập trung bình thì rơi vào trạng thái không vượt qua được nền kinh tế thu nhập thấp (tiền công giá rẻ) đồng thời cũng không thể cạnh cạnh tranh với các nền kinh tế tiên tiến…, khiến các nước này không thể thực hiện được sự chuyển tiếp kịp thời từ tăng trưởng dựa vào vốn và tài nguyên với lao động giá rẻ sang tăng trưởng dựa vào năng suất.

Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, các quốc gia thu nhập trung bình cũng thường thu lợi từ quá trình hội nhập ít hơn so với các quốc gia phát triển kinh tế cao, do yếu lợi thế so sánh trong mọi lĩnh vực và tình huống này được mô tả như một “khoảng trống của lợi thế so sánh.”

Do đó, để vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, các chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam cần phải có những giải pháp căn cơ hơn trong việc dịch chuyển mô hình kinh tế mở rộng về số lượng sang nâng cao về chất lượng, để có thể lấp đầy những “khoảng trống” trong lợi thế so sánh.

Giáo sư Kenichi Ohno (Diễn đàn Phát triển Việt Nam tại Tokyo-VDF/Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia-GRIPS) đề xuất, Việt Nam phải có sự thay đổi từ duy chính sách, như tác phong của những nhà lãnh đạo, bên cạnh tầm nhìn chính sách cần có những cam kết mạnh mẽ, đòi hỏi kết quả và chấp nhận những rủi ro. Các cuộc thảo luận chính sách “bất tận” như hiện nay cần phải được chuyển sang các kế hoạch hành động và có giám sát cụ thể với thời hạn rõ ràng.

Từ đó, ông Ohno kiến nghị Chính phủ đi vào hoàn thiện các phương pháp chính sách tập trung năng suất lao động, chuyển giao công nghệ trong liên kết đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) đồng thời áp dụng các công cụ chính sách, cấu trúc và cơ chế thủ tục chính sách tiêu chuẩn.

Quan điển của tiến sĩ Lưu Bích Hồ nhấn mạnh hơn và cho rằng, “yếu tố quyết định nhất để tạo ra năng suất là khoa học công nghệ và giáo dục, nếu không giải quyết được thì chẳng có cách gì tạo ra năng suất cao.”

Đồng thời, ông Bích Hồ cũng báo động, Việt Nam cũng không dễ gì tận dụng được các liên kết FDI về nâng cao công nghệ để tránh bẫy thu nhập trung bình. Do, hiện tại các dự án FDI chỉ chiếm 5% là công nghệ cao, 15% là công nghệ trung bình, 70%-80% là công nghệ kém, lao động phổ thông.

“Làm gì để Việt Nam có thể tiến kịp thế giới, tiến cùng thời đại trong một môi trường hội nhập” đó là tiêu đề của bài tham luận đến từ phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Thiên tại hội thảo. Ông Thiên trăn trở về những thách thức cạnh tranh và cuộc đua tốc độ giữa các quốc gia giữa bối cảnh thế giới trở nên định, khó dự đoán và đầy rủi ro.

“Cơ hội cho Việt Nam là bước tiến đột phá, thực hiện nhảy vọt về cơ cấu để có thể bắt kịp xu thế, nếu không đà tụt hậu sẽ ngày càng xa hơn.” Trong đó, ông Thiên hàm ý về một nền kinh tế tri thức hướng tới một xã hội học tập, trong môi trường chính sách cởi mở, dân chủ, thuận lợi cho tự do sáng tạo, phổ biến và sử dụng tri thức.

Nêu lại các lợi thế cốt lõi quốc gia, như dân số vàng (trẻ, hiếu học), nước nông nghiệp, vị thế địa lý cửa ngõ…, ông Thiên cho rằng Việt Nam có thể ưu tiên phát triển kinh tế với 4 mũi nhọn để tạo nên sự khác biệt là công nghệ thông tin, nông nghiệp xanh, du lịch xanh và nút trung chuyển giao thông châu Á./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục