Tranh cãi gay gắt với việc FIFA mở rộng World Cup lên 48 đội

World Cup sẽ bước sang một trang mới kể từ giải đấu năm 2026 với 48 đội thay vì 32 đội. Nhiều ý kiến đang lo ngại rằng số lượng đội bóng tăng, nhưng chất lượng nhiều khả năng sẽ tỷ lệ nghịch.
Tranh cãi gay gắt với việc FIFA mở rộng World Cup lên 48 đội ảnh 1Chiếc cúp vô địch FIFA World Cup. (Nguồn: FIFA.com)

Sau cuộc bỏ phiếu của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) ngày 10/1, World Cup sẽ bước sang một trang mới kể từ giải đấu năm 2026, với 48 đội thay vì 32 đội như hiện nay. Nhiều ý kiến đang lo ngại rằng số lượng đội bóng tăng, nhưng chất lượng nhiều khả năng sẽ tỷ lệ nghịch.

Thật ra ngay từ sau khi trúng cử chức Chủ tịch FIFA, ông Gianni Infantino không hề giấu diếm ý định mở rộng World Cup vượt con số 32 đội. Đây được xem là một trong những nỗ lực lấy lại hình ảnh cho FIFA sau những bê bối dưới thời cựu Chủ tịch Sepp Blatter.

Giải thưởng “The Best” cũng nằm trong kế hoạch thay đổi FIFA mà ông Infantino cố gắng thực hiện trong nhiệm kỳ của mình.

Theo thể thức mới, World Cup 48 đội sẽ có 16 bảng (mỗi bảng 3 đội). Hai đội đứng đầu mỗi bảng sẽ tiến thẳng vào vòng đấu loại trực tiếp gồm 32 đội.

Giải đấu theo thể thức mới vẫn kéo dài 32 ngày, nhưng số trận sẽ tăng lên thành 80, so với 64 trận hiện nay. Nhiều trận hơn, tiền chắc chắn đổ về FIFA nhiều hơn, mặc dù ông Infantino luôn khẳng định quyết định tăng số đội tham dự World Cup không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố tài chính.

Theo nghiên cứu của BBC Sport, nếu World Cup có 48 đội tham dự thì FIFA sẽ thu được 5,29 tỷ bảng, tăng 521 triệu bảng so với trước đây.

Điều chỉnh thể thức thi đấu World Cup vừa được xem là cách để Infantino thu hút thêm cơ hội tham dự giải đấu lớn nhất thế giới cấp độ đội tuyển, đồng thời tăng cơ hội để tái đắc cử khi nhiệm kỳ của mình kết thúc vào năm 2019.

Những thay đổi trên khiến giới mộ đạo liên tưởng tới kỳ World Cup đầu tiên năm 1930 ở Uruguay. Giải đấu năm ấy có 13 đội, chia làm 3 bảng 3 đội và 1 bảng 4 đội. Sự thay đổi về số đội ở vòng bảng sẽ không làm thay đổi số trận đấu để một đội bóng trở thành nhà vô địch, khi bất cứ đội bóng nào muốn lên ngôi đều phải thi đấu tổng cộng 7 trận. Đó có lẽ là biện pháp nhằm xoa dịu những lo ngại của các câu lạc bộ châu Âu, khi họ nhận ra rõ nhất ảnh hưởng tiêu cực từ việc các cầu thủ phải thi đấu ở một giải đấu dài ngày trong mùa Hè như World Cup đến quá trình chuẩn bị mùa giải mới.

Ngoại trừ châu Âu, các nền bóng đá khác, đặc biệt là châu Á và châu Phi, có thể được hưởng lợi từ ý tưởng mở rộng số đội tham dự World Cup. Cơ hội để họ góp mặt vì thế không còn trở nên quá xa vời.

Hãy nhớ lại EURO 2016, một giải đấu ở cấp độ châu lục, đã thay đổi ra sao khi mở rộng từ 16 lên 24 đội, với sự xuất hiện lần đầu tiên của một số đội tuyển như Albania, Iceland, Slovakia hay xứ Wales.

Kế hoạch của ông Gianni Infantino đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các huyền thoại bóng đá như Diego Maradona và Jose Mourinho. “Tôi rất mừng trước sáng kiến của Gianni. Sự thay đổi này sẽ đem lại nhiều cơ hội cho các đội bóng từng nghĩ mình không có cơ hội tham dự World Cup. Nó cho các quốc gia được quyền mơ ước. Đồng thời làm mới niềm đam mê với bóng đá. Với tôi, đây là một ý tưởng tuyệt vời,” Maradona chia sẻ.

Tuy vậy, việc tăng số đội tham dự World Cup không phải chỉ đem đến toàn những mặt tích cực. Ngay khi ý tưởng mở rộng giải đấu được hé lộ cách đây ba tháng, huấn luyện viên Joachim Loew của đội tuyển Đức, nhà vô địch kỳ World Cup gần nhất, tỏ ra không mấy hào hứng trong một cuộc trả lời phỏng vấn: “Tôi không nghĩ rằng đó là một ý tưởng tốt khi nó có thể làm giảm đi giá trị thể thao của giải đấu.”

Phần lớn phản ứng của truyền thông và người hâm mộ sau khi biết được World Cup 48 đội chính thức được thông qua mang màu sắc tiêu cực. Đa số đều cho rằng đó là một ý tưởng nực cười, không làm tăng chất lượng của giải đấu.

Nếu cần một bằng chứng rõ ràng để nói lên mặt trái của một kỳ World Cup 48 đội, hãy soi chiếu vào kỳ EURO 2016, giải đấu lần đầu tiên tăng số đội từ 16 lên 24. Đó là giải đấu nhận được nhiều lời phàn nàn nhất, từ việc các trận đấu ở vòng bảng diễn ra quá nhàm chán, cho đến hành trình lên ngôi của Bồ Đào Nha, khi đội bóng này không thắng nổi một trận nào ở vòng bảng, nhưng vẫn đường hoàng bước tiếp và đoạt cúp vô địch.

Bản thân World Cup 2014 cách đây ba năm cũng không tránh được những lời chỉ trích về sự suy giảm chất lượng các trận đấu. Có đến năm trận ở giai đoạn vòng bảng kết thúc mà không có bàn thắng nào được ghi, và con số 2,67 bàn/trận tương đối thấp so với nhiều kỳ World Cup trước đây.

World Cup và những lần tăng số đội:

- World Cup 1930 ở Uruguay: có 13 đội, chia làm 3 bảng 3 đội và 1 bảng 4 đội, lấy 4 đội đầu bảng vào Bán kết.
- World Cup 1934 ở Italy: 16 đội, đá loại trực tiếp.
- World Cup 1950 ở Brazil: 15 đội (13 tham gia), 3 bảng 4 đội và 1 bảng 3 đội, 4 đội đầu bảng góp mặt ở giai đoạn cuối cùng.
- World Cup 1954 ở Thụy Sĩ: 16 đội, 4 bảng 4 đội (2 lượt trận), 2 đội nhất nhì vào Tứ kết.
- World Cup 1958 ở Thụy Điển: 16 đội, 4 bảng 4 đội (3 lượt trận), 2 đội nhất nhì vào Tứ kết.
- World Cup 1974 ở Tây Đức: 16 đội, 4 bảng 4 đội, lấy 8 đội vào 2 bảng 4 đội, 2 đội nhất 2 bảng vào Chung kết.
- World Cup 1982 ở Tây Ban Nha: 24 đội, 6 bảng 4 đội, lấy 12 đội vào 4 bảng 3 đội, các đội dẫn đầu vào Bán kết.
- World Cup 1986 ở Mexico: 24 đội, 6 bảng 4 đội, 2 đội nhất nhì và 4 đội thứ 3 tốt nhất vào vòng 1/8.
- World Cup 1998 ở Pháp: 32 đội, 8 bảng 4 đội, 2 đội nhất nhì vào vòng 1/8./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục